Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề ở Huế: đẩy mạnh đầu tư chiều sâu tăng năng lực cạnh tranh

Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với việc bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống địa phương mà tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Thực trạng công tác bảo tồn nghề, làng nghề

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng, có bề dày lịch sử và kỹ xảo nghề đặc trưng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.

Hương ở Thủy Xuân nổi tiếng với mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt

Trong những năm qua, thông qua các chương trình, đề án, dự án, từ nhiều nguồn kinh phí của các sở ngành và địa phương như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Kế hoạch khuyến công địa phương, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ … đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Đặc biệt với 07 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế qua gần 15 năm đã tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế (như nghề pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may áo dài truyền thống; giấy trúc chỉ; các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên…). Đồng thời, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình. Một số làng nghề như mây tre đan Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù, chế biến thủy hải sản An Dương, Làng Chài… đã được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì nhãn mác, xúc tiến thương mại nên đã phát triển khá tốt.

Định hướng và giải pháp bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030

Trải qua năm tháng, sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng nhôm, nhựa và những dòng sản phẩm mới khiến nhiều làng nghề truyền thống bị mai một. Để bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch.

Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao. Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động nhằm góp phần tích cực giải

Để đạt được những điều đó, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó tập trung tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan để tập trung nguồn lực chỉ đạo phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương. Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP (từ chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn ngân sách địa phương và điều phối lồng ghép từ các nguồn vốn của các chương trình, đề án, dự án để thực hiện mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề tại các địa phương.

Nguồn: thuathienhue.gov.vn