Thừa Thiên Huế: một trong năm địa phương được khảo sát thực hiện Giai đoạn I “Dự án Sáng kiến nâng cao năng lực tham gia của người dân” do UNDP tài trợ

Cùng dự và làm việc có đại diện lãnh đạo các Sở: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nội vụ; Viện nghiên cứu phát triển tỉnh; UBND thành phố Huế, UBND huyện Quảng Điền... Về phía đoàn công tác có Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm nghiên cứu, cùng các giảng viên và nghiên cứu viên của Trường

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Trường Fulbright) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện Giai đoạn I của Dự án “Sáng kiến Nâng cao năng lực tham gia của người dân" từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021. Dự án hướng đến việc nhận diện, khuyến khích và triển khai các sáng kiến của địa phương do người dân đề xuất và được sự ủng hộ của lãnh đạo cao nhất tại các tỉnh/thành. Giai đoạn I của Dự án nhằm xây dựng một cơ chế đánh giá công bằng giúp phát hiện các địa phương sẵn sàng và tiên phong trong đổi mới sáng tạo để UNDP hỗ trợ triển khai các chương trình thí điểm nâng cao năng lực tham gia của người dân và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực công.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Thành Tự Anh – giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiến hành khảo sát thực tế tại 05 tỉnh/thành (Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Quảng Ninh, An Giang và Tây Ninh), đầu tiên là tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là các tỉnh trong nhóm được xếp hạng cao về cải cách hành chính theo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt nam (PAPI) năm 2019.

Được biết, bộ tiêu chí được dùng làm cơ sở đánh giá và lựa chọn các tỉnh/thành phù hợp tham gia thí điểm Sáng kiến CPI do UNDP tài trợ, dựa trên đề xuất của chính các tỉnh/thành đó gồm ba nhóm tiêu chí chính. Đối với nhóm tiêu chí 1 gồm mức độ sẵn lòng của tỉnh/thành trong việc nâng cao năng lực tham gia của người dân, được đánh giá thông qua các trình bày của chính quyền tỉnh/thành trên ba khía cạnh: năng lực hiện tại của tỉnh/thành trong việc tương tác của người dân; hiệu quả tham gia của người dân; kế hoạch khuyến khích việc tham gia của nguười dân. Nhóm tiêu chí 2 là mức độ phù hợp trong đề xuất của tỉnh/thành về giải pháp giúp nâng cao năng lực tham gia của người dân. Nhóm tiêu chí 3 là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và năng lực số của tỉnh/thành.

Ông Vũ Thành Tự Anh – giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm nghiên cứu trao đổi tại buổi làm việc

Theo đó, ông Vũ Thành Tự Anh bày tỏ mong muốn UBND tỉnh hợp tác giúp đỡ, chỉ đạo các Sở, ban ngành địa phương và các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ Trường trong quá trình khảo sát. Theo kế hoạch, từ ngày 08/12/2020 đến ngày 11/12/2020, trường sẽ làm việc với thành phố Huế và một số huyện, xã trên địa bàn tỉnh để trao đổi thông tin, tìm hiểu thực tế về các công cụ tương tác giữa chính quyền và người dân đối với các vấn đề kinh tế xã hội tại địa phương; và năng lực vận dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: đây là giai đoạn khảo sát ban đầu để lựa chọn địa phương thụ hưởng dự án dựa vào bộ tiêu chí được dùng làm cơ sở đánh giá và lựa chọn các tỉnh/thành phù hợp tham gia thí điểm Sáng kiến CPI do UNDP tài trợ, dựa trên đề xuất của chính các tỉnh/thành; đồng thời, khẳng định đây là dự án quan trọng của tỉnh, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở ngành, địa phương làm việc đảm bảo thời gian, bố trí cán bộ lãnh đạo theo đúng khung kế hoạch của trường; chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng để việc trao đổi đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác đã đi thăm Trung tâm Hành chính công của tỉnh (Ảnh dưới)





Nguồn: thuathienhue.gov.vn