Hội nghị phổ biến Nghị định số 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương

Ngày 25 tháng 01 năm 2021, Đoàn công tác Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia Hội nghị phổ biến Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương; Thảo luận về dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định và phát hành trái phiếu xanh của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.


Nghị định 147/2020/NĐ-CP ra đời xuất phát từ yêu cầu về tăng cường năng lực tài chính cho các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Quỹ; mở rộng đối tượng đầu tư và cho vay, đồng thời đảm bảo hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.

Ngoài ra, Nghị định mới cũng quy định cụ thể hơn đối với một số hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương như hoạt động phát hành trái phiếu Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, xử lý rủi ro, phân loại nợ, bán nợ, chế độ báo cáo và các quy định về giải thể Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Cụ thể, Quỹ đầu tư và phát triển địa phương được chào bán trái phiếu riêng lẻ khi đủ các điều kiện sau:

- Quỹ có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ;
- Quỹ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá xếp loại hoạt động có hiệu quả năm trước liền kề của năm phát hành theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Đảm bảo tuân thủ quy định về nhà đầu tư mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ;
- Có phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong đó nêu cụ thể về mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu và nguồn bố trí trả nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn;
- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp phát hành trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
- Đáp ứng các giới hạn đầu tư, cho vay, huy động vốn.

Hy vọng với sự ra đời của Nghị định mới, một số vấn đề vướng mắc, tồn tại đối với tổ chức, hoạt động của các Quỹ ĐTPT địa phương trong thời gian qua sẽ được tháo gỡ, tạo điều kiện để các Quỹ ĐTPT phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng có thảo luận về vấn đề trái phiếu xanh. Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có thể chịu tổn thất khoảng 15 tỷ USD/năm do biến đổi khi hậu, tương đương khoảng 5% GDP và 20% dân số chịu tác động bởi sự gia tăng của mực nước biến, diện tích canh tác bị thu hẹp do ngập lụt và xâm ngập mặn. Bên cạnh đó, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam cần khoảng 30,7 tỷ USD cho đến năm 2020 và cần khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Có thể thấy nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh là rất lớn, trong khi theo dự tính chỉ có khoảng 30% vốn đến từ NSNN (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và viện trợ phát triển không chính thức), còn lại 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân. Vì vậy, thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu với điểm nhấn TPX đang được xem là một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính định hướng về phát triển thị trường TPX. Trong đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định từ năm 2012, Việt Nam đã có định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. 

Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai. Và với định hướng của Quỹ sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển để trở thành một định chế tài chính đủ mạnh giúp UBND tỉnh thực thi có hiệu quả các chính sách nhằm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cần thực hiện nghiên cứu chuẩn bị để thực hiện phát hành trái phiếu cho chính quyền địa phương.

Nguồn: Ngọc Hải - Phòng Kế hoạch Thẩm định