Đưa phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" trở thành hành động đẹp, nếp sống thường xuyên của mọi người

    Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án "Ngày Chủ nhật xanh" vào sáng nay (20/3), Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, 2 năm tuy không phải là khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại những gì đã làm được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. "Ngày Chủ nhật xanh" phải được thực hiện Quyết liệt - Đồng bộ - Kiên trì, đưa phong trào ngày càng đi vào cuộc sống thực chất và trở thành hành động đẹp, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội.

Có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới 

Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Gia Công cho biết, 2 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 100 đợt ra quân (đạt 100% kế hoạch đề ra), có 21.121 đợt của xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân với sự tham gia của hơn 1.148.153 lượt người tham gia, qua đó đã tiến hành thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác thải các loại; bóc tách hàng trăm nghìn điểm quảng cáo, rao vặt không đúng quy định; tổ chức trồng và chăm sóc hàng trăm nghìn cây xanh tại các điểm công cộng; nhiều đường hoa đẹp, bồn hoa đẹp, vườn hoa của em; công viên xanh, cơ quan, trường học, bệnh viện xanh - sạch - đẹp - sáng được hình thành,...tạo thêm cảnh quan môi trường từ thành thị đến nông thôn ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn . 

Trong năm qua việc triển khai mô hình Huế - Thành phố 4 mùa hoa được các cơ quan, địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện với nhiều mô hình và cách làm sáng tạo mang lại giá trị cao, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng như: Mô hình trồng hoa bằng lốp xe ô tô; mô hình “Tuyến đường kiểu mẫu”, bồn hoa tại các cơ quan, trường học, xây dựng các mô hình tuyến đường hoa đẹp, bồn hoa đẹp, vườn hoa của em; xây dựng Bệnh viện xanh, cơ quan, công viên xanh, sạch, đẹp,... Đặc biệt phong trào "Mai vàng trước ngõ" dù mới được phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, đơn vị cho đến các hộ gia đình. Mô hình điểm “Dòng Hương trong xanh” đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đảm nhận, duy trì, triển khai thực hiện hàng tuần. Định kỳ phối hợp với Câu lạc bộ “Cảm ơn dòng Hương”, CLB thuyền SUP Huế, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế, Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bèo tây. Cùng với đó, nhiều mô hình, phong trào khác cũng đã được triển khai có hiệu quả như mô hình “Tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Trật tự trị an”, phong trào “Chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 01 lần”, Chương trình Sáng Chủ nhật “60 phút Sạch nhà - Đẹp ngõ”,...


Ông Nguyễn Dương Anh - Giám đốc TT Giám sát, Điều hành đô thị thông minh công bố mạng lưới "Ngày Chủ nhật xanh"

Công tác phản ảnh tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã phát huy được ưu điểm của mình trong việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin thông qua hệ thống phản ánh hiện trường của các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm nghìn lượt phản ánh về các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, quảng cáo rao vặt, an toàn giao thông, trật tự đô thị, dịch vụ sự nghiệp công ích,... Kết quả trong 2 năm, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã tiếp nhận 2.362 phản ảnh hiện trường trên lĩnh vực quảng cáo, rao vặt, tín dụng đen và vệ sinh môi trường. 

Căn cứ Quyết định số 154/QĐ-UBND, ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá  "Xanh - Sạch - Sáng” cấp phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó giao Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh phụ trách tham mưu đánh giá kết quả theo các nội dung của Bộ tiêu chí; qua quá trình triển khai thực hiện việc đánh giá, cuối năm đã có 23 đơn vị xã, phường, thị trấn được đánh giá xếp loại tốt, trong đó một số đơn vị tiêu biểu như: xã Hương Phong của huyện A Lưới; phường Hương Xuân của thị xã Hương Trà; Phường Phú Hòa, An Cựu, Phú Bình, Phú Hội của thành phố Huế; phường Thủy Dương của thị xã Hương Thủy,... 

Khắc phục tồn tại hạn chế, đưa phong trào đi vào chiều sâu 

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn tham gia ý kiến tham luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: tình trạng phân loại rác tại nguồn trong thời gian qua được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi người dân chưa có thói quen phân loại, nhận diện các loại rác thải, chất thải.Tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra khá nhiều ở một số địa phương; việc sử dụng sản phẩm thay thế túi ni lông vẫn còn hạn chế, các chính sách ưu đãi đầu tư cho loại hình sản xuất các loại túi đựng hàng thay thế túi ni lông vẫn chưa có; việc xây dựng các mô hình “không xả rác” ở các nhà hàng, quán ăn, điểm tham quan, du lịch, công viên, điểm xanh, điểm công cộng và các chợ, siêu thị,… chưa được triển khai hiệu quả.


Phát động "Sáng kiến vì cộng đồng - Hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng"

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ khẳng định, sau 2 năm triển khai, phong trào đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường và nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra, "Ngày Chủ nhật xanh" vẫn được các địa phương triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, góp phần làm sạch môi trường gắn với  công tác phòng chống dịch bệnh.

"Ngày Chủ nhật xanh" thực sự đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, với hiệu ứng tích cực, các đợt ra quân đã dấy lên phong trào và mang lại hiệu quả cao được đông đảo người dân ủng hộ, chung tay tham gia. Thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, nhiều vấn đề về môi trường tại các địa phương đã phần nào được giải quyết; nhiều điểm đen về ô nhiễm môi trường đã giảm bớt.

"Những kết quả đạt được là đáng ghi nhận nhưng chúng tôi còn kỳ vọng nhiều hơn nữa từ phong trào này, làm sao phong trào phải đi vào thực chất hơn với phương châm là "Từ nhặt rác chuyển sang không xả rác", hướng đến nâng cao nhận thức trong cộng đồng về "Ngày chủ nhật xanh" với tinh thần "Một m2 phải có một đơn vị, một người chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường". Tôi kêu gọi các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt phương châm "Quyết liệt - Đồng bộ - Kiên trì"; nâng cao vai trò của người đúng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm đưa phong trào "Ngày chủ nhật xanh" đi vào cuộc sống thực chất và trở thành hành động, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tại hội nghị lần này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức công bố mạng lưới "Ngày Chủ nhật xanh"; phát động "Sáng kiến vì cộng đồng - Hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng"; khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào "Ngày Chủ nhật xanh".

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao giấy chứng nhận cho các đơn vị được xếp loại tốt
theo đánh giá của bộ tiêu chí  "Xanh - Sạch - Sáng” đối với cấp phường, xã, thị trấn 



Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào "Ngày Chủ nhật xanh"

Nguồn: thuathienhue.gov.vn