Nghị định 21: Lối ra cho những ca “khó đỡ” về giao dịch bảo đảm

Nghị định 21/2021/NĐ-CP (Nghị định 21) quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch ngân hàng với nhiều điểm mới quan trọng đã được giới thiệu tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 15/4/2021.

Trước khi có Nghị định 21, các tổ chức tín dụng áp dụng Nghị định 163/2006/CP-NĐ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163. Năm 2015, Bộ luật dân sự được ban hành mới và hoạt động giao dịch bảo đảm vẫn được thực hiện theo Nghị định cũ.

Việc này dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Những bất cập này liên quan đến phạm vi, chủ thể, đối tượng, cơ chế pháp lý trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và xử lý hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ.

Nghị định 21: Lối ra cho những ca “khó đỡ” về giao dịch bảo đảm
Hội nghị nhận được sự tham dự đông đảo của đại diện các tổ chức tín dụng cả nước

Ngày 19/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2021) nhằm thay thế Nghị định 163. Nghị định 21 được xem là rất quan trọng với hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thực tiễn xét xử tại tòa án về các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, ngân hàng còn khá nhiều lỗ hổng trong việc nhận thế chấp tài sản bảo đảm dẫn đến nhiều trường hợp bị tòa án bác bỏ, tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp, dẫn đến khoản nợ bao gồm cả gốc và lãi của ngân hàng không có tài sản bảo đảm, trở thành khoản chưa có điều kiện thi hành ở giai đoạn thi hành án dân sự.

“Nghị định 21 có nhiều vấn đề mới, có thể có cách hiểu, cách nhận thức chưa đầy đủ, rõ ràng nên Hiệp hội Ngân hàng thấy rằng cần thiết tổ chức hội nghị triển khai để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nắm bắt, quán triệt, triển khai một cách đầy đủ, thuận lợi”- ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dù vẫn còn một số nội dung các tổ chức tín dụng kiến nghị chưa được đưa vào Nghị định do vướng luật nhưng cũng đã có một số điều chỉnh cho phù hợp ở mức Nghị định. Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, có thể tính tới việc xây dựng một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn chẳng hạn Luật về giao dịch bảo đảm, khi đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề toàn diện hơn.

Nghị định 21: Lối ra cho những ca “khó đỡ” về giao dịch bảo đảm
Nghị định 21 được đánh giá là rất quan trọng với hoạt động của các tổ chức tín dụng

Tuy nhiên Nghị định 21 vẫn là văn bản hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan đến công tác nghiệp vụ về tín dụng, giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm.

Với vấn đề về tài sản bảo đảm, Nghị định 21 quy định cơ chế pháp lý xác định, mô tả tài sản bảo đảm, cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào tài sản bảo đảm, cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm. Trong đó, Nghị định quy định nguyên tắc xác định tài sản bảo đảm là tài sản không bị cấm mua bán, không cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu đều có thể đưa vào làm tài sản bảo đảm.

Một số loại tài sản phát sinh vướng mắc trong thực tiễn đã được đưa vào quy định trong Nghị định như quy định về tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Theo đó, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt được dùng làm tài sản bảo đảm, hoa tức, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm.

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định 21 không có quy định về thu giữ tài sản bảo đảm do hạn chế văn bản mức Nghị định. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc, Nghị định đã quy định khi xử lý tài sản bảo đảm, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

Nguồn: https://congthuong.vn/