Các ngân hàng gia tăng ưu đãi lãi suất cho khách hàng

Hiện các ngân hàng đang đồng loạt triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển sản xuất – kinh doanh khi dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát.

Như tại Vietcombank từ tháng 4 triển khai gói vay lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân để mua ôtô, nhà, tiêu dùng cá nhân… và nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bổ sung vốn lưu động, vốn trung hạn… Trong đó, lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,79%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,29%/năm trong 12 tháng đầu. Ngân hàng này cũng áp dụng cho vay với lãi suất cố định trong 18, 24, 36, 60 tháng và cả các kỳ hạn lên tới 7 - 10 năm. Riêng với nhóm khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank, ngân hàng sẽ cho vay vốn với mức lãi suất thấp hơn 0,1%/năm lãi suất thông thường.

gia tang uu dai lai suat cho khach hang
Lãi suất có khả năng giảm thêm nếu thị trường thuận lợi, nhưng sẽ không quá lớn

BIDV cũng đang áp dụng gói cho vay lãi suất thấp từ 3,8 -5,5%/năm (kỳ hạn 3 tháng); 4-6%/năm (kỳ hạn 3 - 6 tháng); và 4,5 - 6,5%/năm (kỳ hạn 6-9 tháng) áp dụng từ 24/2 đến hết ngày 30/9. VietinBank thì gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất rất hấp dẫn, tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung và dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi tới 36 tháng. CB cũng triển khai chương trình “Ưu đãi lãi vay - Tới CB ngay” với mức lãi suất từ 6,9%/năm…

Việc ưu đãi lãi suất vay vốn cũng được nhóm các NHTMCP đẩy mạnh. ABBank cho biết đang triển khai chương trình ưu đãi “Tài trợ VND lãi suất ngoại tệ” để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp bổ sung vố lưu động, phục vụ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch với hạn mức 1.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đủ điều kiện cấp tín dụng sẽ được vay VND với lãi suất chỉ từ 4,4%/năm để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài hoặc mua ngoại tệ để trả nợ các khoản vay. ABBank cũng áp dụng lãi suất vay từ 4,9%/năm với nhu cầu vay bổ sung vốn của khách hàng doanh nghiệp. Để giảm áp lực tài chính cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, mua xe, kinh doanh và tiêu dùng khi vẫn còn ảnh hưởng dịch Covid-19, VietBank triển khai 4.000 tỷ đồng gói ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho toàn bộ khách hàng cá nhân…

Thực tế, mặt bằng lãi suất hiện nay đang duy trì ở mức thấp. Thông tin từ NHNN cho biết, tính đến 16/4/2021, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 0,1% so với tháng 12/2020. Tới 16/4/2021, tín dụng đã tăng trưởng 3,34% so với cuối năm 2020 và tăng 15,02% so với cùng kỳ. Theo NHNN, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12%. Đồng thời đưa ra những kịch bản rõ ràng: với kịch bản 1, khi việc tiêm chủng vắc-xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12% đến 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2 khi dịch kéo dài đến tháng 6, thời gian tiêm vắc-xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10% đến 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7% đến 8%. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với diễn biến nền kinh tế như hiện nay thì NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên theo nhận định từ chuyên gia của một công ty chứng khoán, thời gian tới, hoạt động kinh tế sôi động hơn có thể khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối năm 2021 và khiến lãi suất tiền gửi tăng 0,3 - 0,5 điểm %. TS. Châu Đình Linh cũng cho rằng, tới một thời điểm khi nền kinh tế hấp thụ được tốt thì lãi suất sẽ có xu hướng nhích tăng. “Từ đầu năm tới nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, gia tăng cơ sở để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Nếu thị trường thuận lợi thì khả năng giảm thêm lãi suất vẫn có, nhưng sẽ không quá lớn”, ông Linh cho biết và nhấn thêm rằng: NHNN có đủ công cụ để điều hành một cách linh hoạt và chủ động nhất tùy diễn biến, bởi mục tiêu quan trọng nhất của nhà điều hành là duy trì sự ổn định.

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực dự báo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song cũng thừa nhận, áp lực lạm phát sẽ tăng lên khi giá cả hàng hoá trên thế giới từ giá dầu, lương thực… đều tăng mạnh, từ đó có tác động khiến mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ kể từ giữa năm nay. TS. Lực cũng cho rằng nên xem xét việc giảm lãi suất tiếp, bởi trên thực tế lãi suất chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra của hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức trung bình khoảng 2,6%, trong khi tỷ lệ này ở một số quốc gia trong khu vực cao hơn. Thêm nữa, người gửi tiền luôn mong muốn và kỳ vọng có một mức lãi suất đủ hấp dẫn, ông Lực cho rằng nếu điều chỉnh giảm quá sâu lãi suất đầu vào sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư và gây áp lực nặng hơn cho lạm phát, nên nhìn nhận một cách hài hoà và khách quan hơn.

Minh Khôi (Thời báo ngân hàng)