Tìm giải pháp đột phá để xử lý nợ xấu


Giới chuyên môn rất kỳ vọng sàn giao dịch mua bán nợ của VAMC sớm đi vào hoạt động có thể hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng suôn sẻ hơn.

Khó khăn bủa vây

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động tiêu cực tới sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu trong tương lai. Bởi sản xuất kinh doanh bị đình trệ khiến doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền để trả nợ vay ngân hàng. Số nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 hiện nay, theo chia sẻ của ông Hùng, là khoảng 347.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính xấp xỉ 30% sẽ phát sinh nợ xấu, đây là áp lực rất lớn đối với các TCTD.

Trên thực tế là nợ xấu của các ngân hàng quý sau cao hơn quý trước. Chẳng hạn như tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2021 của ngân hàng này ở mức 1,38%, nhưng tăng so với mức 0,94% tại thời điểm cuối quý I. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank mức 0,91% vào cuối quý II/2021, tăng so với con số 0,6% tại thời điểm cuối năm 2020. Một số ngân hàng khác có nợ xấu tăng trong 6 tháng đầu năm 2021.

tim giai phap dot pha de xu ly no xau
Sàn Giao dịch nợ sẽ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu cho các TCTD

Nợ xấu có chiều hướng tăng lên, trong khi công tác xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc đôn đốc, thu hồi nợ trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Cán bộ xử lý nợ gặp khó khi sử dụng phương thức đôn đốc thu nợ trực tiếp khi mà nhiều khu vực phải thực hiện phong toả, cách ly cục bộ, thậm chí khách hàng lấy lý do dịch bệnh để từ chối làm việc trực tiếp. Ngân hàng buộc phải đẩy mạnh phương thức làm việc gián tiếp với khách hàng qua điện thoại, email, gửi văn bản đôn đốc nhắc nợ…; song hiệu quả không cao như việc trực tiếp đôn đốc thu nợ.

Chia sẻ thêm khó khăn trong xử lý nợ xấu, lãnh đạo SHB cho biết, việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án của SHB nói riêng và các TCTD nói chung cũng bị ngưng trệ bởi nhiều lý do liên quan đến dịch. Trong giai đoạn dịch Covid bùng phát, Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành các văn bản về việc phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống. Theo đó, có nhiều thời điểm Toà án nhân dân các cấp tạm dừng mở các phiên toà, phiên họp giải quyết, triệu tập đương sự; tạm dừng việc nhận đơn khởi kiện trực tiếp... Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành các văn bản chỉ đạo đối với những địa phương dịch đang có diễn biến phức tạp hạn chế việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án trực tiếp tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự; Tạm dừng việc triệu tập đương sự, giải quyết việc thi hành án tại trụ sở cơ quan; cưỡng chế có huy động lực lượng trừ vụ việc bắt buộc phải thực hiện theo đúng thời hạn luật định nhưng cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch…

Theo phản ánh của lãnh đạo nhiều ngân hàng, việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 cũng bị ngưng trệ do chính quyền địa phương, đặc biệt là các khu vực đang bị phong tỏa hoặc có người bị cách ly phải tập trung phòng, chống dịch không tham gia chứng kiến, không ký biên bản chứng kiến việc thu giữ…

“Công tác xử lý nợ xấu đang hết sức khó khăn. Trong giai đoạn hiện nay dịch Covid diễn ra phức tạp, không chỉ lo việc khách hàng không trả được nợ mà ngay cả việc tổ chức thu hồi phát mại tài sản là cả vấn đề đối với các ngân hàng. Chưa nói đến Nghị quyết 42 tới tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực, lúc đó việc xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ như thế nào? Nợ xấu của ngân hàng sẽ bị đánh giá, nhìn nhận ra sao? Đây là khó khăn lớn đối với ngân hàng khi ứng xử với nợ xấu trong giai đoạn tới”, ông Hùng trăn trở.

Trong khi đó, theo một chuyên gia ngân hàng, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng đang gặp không ít khó khăn vướng mắc. Chẳng hạn như quy định về áp dụng thủ tục rút gọn vốn được kỳ vọng là một bước đột phá lớn, nhưng trên thực tế số hồ sơ được xử lý theo quy định này rất ít. Bên cạnh đó, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết 42 gặp không ít khó khăn…

Cần một giải pháp đột phá

Trước bối cảnh khó khăn này, giới chuyên môn rất kỳ vọng sàn giao dịch mua bán nợ của VAMC sớm đi vào hoạt động có thể hỗ trợ công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng suôn sẻ hơn. TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC là động thái phù hợp và kịp thời. Khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC sẽ giúp hoạt động mua - bán nợ diễn ra sôi nổi, thông thoáng hơn, minh bạch và công khai hơn nên người mua và người bán dễ tìm được tiếng nói chung. “Thông qua sàn giao dịch, người bán có thể thông tin chi tiết khoản nợ công khai, còn người mua có thể biết được khoản nợ nào đang giao dịch để tìm hiểu xem xét đặt vấn đề mua. Qua đó hỗ trợ các ngân hàng xử lý các khoản nợ là tài sản bảo đảm đạt hiệu quả cao hơn”, ông Hùng kỳ vọng.

Song để sàn giao dịch nợ VAMC có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, việc xây dựng khung khổ pháp luật hoàn chỉnh cho thị trường này là rất cần thiết. Vì hiện nay, chính sách, khuôn khổ pháp lý quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, mà nằm rải rác tại các văn bản khác nhau. Mỗi một nhóm đối tượng có văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của nhóm đối tượng đó. Nên các quyền và nghĩa vụ của các nhóm đối tượng cũng có quy định khác nhau. Điều này dẫn tới sự chồng chéo giảm hiệu lực hiệu quả của chính sách.

Ngoài ra theo ông Hùng, cần phải làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo tỷ lệ như thế nào, nhà đầu tư trong nước ra sao rồi xác định quyền thu giữ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Nghị quyết 42 bổ sung quyền đó cho chủ nợ, nhưng cũng chỉ áp dụng cho VAMC, các TCTD và cũng chỉ kéo dài 5 năm. Vấn đề đặt ra ở đây, khi bên thứ ba mua lại khoản nợ trên sàn VAMC họ có được hưởng quyền thu giữ tài sản hay không? Vì các khoản nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm nếu không giải quyết thoả đáng vấn đề này thì không tạo sức hấp dẫn đối với thị trường mua bán nợ.

Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khuyến nghị, việc luật hóa xử lý nợ xấu tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xử lý nợ xấu. Nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế sẽ khiến áp lực nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn.

Nguyễn Vũ (thời báo ngân hàng)