Nông nghiệp công nghệ cao: Không chỉ là nguồn vốn

Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản

Với việc lập trang trại phát triển nông nghiệp công nghệ cao rộng khoảng 10 ha với hàng chục loại rau, củ quả được trồng, chăm sóc theo quy trình khép kín, mỗi năm chị Lê Thị Dung (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) đã thu về hàng tỷ đồng.

Không chỉ chị Dung, nhiều nông dân, doanh nghiệp cũng đã nhận “trái ngọt” khi mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Hiện cả nước có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, qua đó đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào lĩnh vực này, tạo chuyển biến tích cực đối với phát triển ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải bất cứ nhà đầu tư nào tìm đến với nông nghiệp công nghệ cao cũng thành công.

Thực tế cho thấy, đã không ít doanh nghiệp phải “khóc ròng” vì đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao khi gặp rào cản về công nghệ, thị trường đầu ra và nguồn nhân lực.

Ông Trần Đức Minh - Tổng giám đốc Triso Group chia sẻ, việc quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thời gian thuê đất sử dụng ngắn hạn trong khi vốn đầu tư lớn, tỷ lệ rủi ro không nhỏ khiến một số doanh nghiệp không dám mạo hiểm. Thậm chí, với kỹ thuật canh tác cũ, lạm dụng phân bón hóa học nhiều năm khiến đất bạc màu, cằn cỗi, doanh nghiệp mất nhiều công để cải tạo đất.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản theo mô hình công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém. Nguyên nhân do nhiều loại nông sản mới chưa có thương hiệu, giá bán cũng cao hơn mức thu nhập của đa số người tiêu dùng.

Theo chuyên gia nông nghiệp PGS-TS. Vũ Trọng Khải, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, giá trị gia tăng thấp… cũng là những lý do khiến một số doanh nghiệp đang đầu tư gặp trở ngại.

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng nêu ý kiến, khó khăn còn đến từ việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong khi tình trạng sản phẩm đội lốt nông sản sạch tràn lan trên thị trường cũng khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp thách thức.

Ngoài ra, theo ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nguồn nhân lực nông nghiệp hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện có 40% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp nhưng chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Theo dự báo, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo.

Doanh nghiệp cần dẫn dắt thị trường

Theo PGS-TS. Vũ Trọng Khải, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần đào tạo một đội ngũ nông dân thông minh, trẻ hóa đội ngũ đó từ “lão nông tri điền” thành “thanh nông tri điền”, không phải theo kiểu “cha truyền con nối” mà được đào tạo bài bản để có thể làm chủ khoa học công nghệ. Đồng thời, đưa việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình hướng tới mở rộng thành các trang trại, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Để hóa giải nút thắt về thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp cần nắm vai trò dẫn dắt thị trường, liên kết và đưa người nông dân vào chuỗi giá trị ngành hàng, khi đó họ không sản xuất đơn lẻ. Theo đó doanh nghiệp sẽ phụ trách khâu xây dựng thương hiệu, cân đối giữa cung và cầu, cung ứng các công nghệ mới và hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho nông dân, lo về vốn đầu vào, bao tiêu đầu ra… như vậy sẽ góp phần giúp thị trường được ổn định hơn. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường cho nông sản hữu cơ.

Còn về bài toán nguồn nhân lực, theo GS-TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có thể thành lập cơ sở dạy nghề công nghệ nông nghiệp, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác, phối hợp với cơ sở đào tạo để đánh giá, cải tiến các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp…

Ngoài ra theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến. Việc đưa công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông sản Việt thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá” và tình cảnh nông sản xuất thô ra thế giới với giá rẻ mạt, giúp gia tăng giá trị kinh tế của nông sản và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong thời gian qua, NHNN đã trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nhiều quy định chính sách tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị nông sản. Có thể kể đến như quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã tối đa từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án… Đến nay đã có trên 80 TCTD và gần 1.200 QTDND tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn. Đến cuối tháng 6/2021, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8% so với cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 13/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Thống kê của NHNN cho thấy, trong giai đoạn 2010-2020 đã có khoảng 12.000 tỷ đồng vốn ngân hàng cho vay phục vụ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch. Tính đến cuối năm qua có khoảng gần 9.000 khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ còn dư nợ vay vốn ưu đãi theo chính sách này.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Quỳnh Trang (thoibaonganhang.vn)