2022 - 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế

Tăng trưởng cả năm khoảng 3,5-4%

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại Hội nghị trực tuyến tổ chức sáng 14/9 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 cho khu vực trung du, miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Đề án xác định cả năm 2022 và 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi kinh tế. Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 phải đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm.

                                                                         Cần chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi sản xuất ngay khi kiểm soát được dịch bệnh                                                                                          

Theo báo cáo của các địa phương, các địa phương trong cả nước đã có những chỉ đạo quyết liệt, quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, triển khai đồng bộ các phương án, kịch bản chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã có nhiều sáng tạo, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội, không để đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy nền kinh tế.

Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm cao nhất cả nước: Vĩnh Phúc đạt 14,21%, Hải Phòng 13,52%, Hà Nam 10,41%. Một số địa phương phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng đạt 10,5% (kế hoạch là 10%), Bắc Ninh dự kiến tăng trưởng 6,45% (kế hoạch là 4-5%). Các tỉnh dự báo đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra là Ninh Bình đạt 8%; Nam Định đạt 8,5% và Hà Nam là 9,3%.

Nhưng hầu hết các địa phương đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều chỉ tiêu kinh tế có thể không đạt được như đề ra. Cụ thể, Hà Nội dự kiến chỉ tăng khoảng 4,54%, thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra trong khoảng 7,5-8,0%. Hiện Hà Nội đang xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm. Trong đó kịch bản điều hành là tăng trưởng GRDP quý III giảm 0,8%; quý IV tăng 6,98% và dự báo cả năm đạt 4,54%. Trong khi với kịch bản thấp, GRDP quý III giảm 0,98%; quý IV tăng 5,15% và cả năm dự kiến tăng 3,97%.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính toán lại các kịch bản tăng trưởng và dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5- 4% (mục tiêu đặt ra là 6,5%).

Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%

Nhưng để đạt được tăng trưởng 3,5-4% trong năm nay là phải có sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cả địa phương và phải kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV. Tuy nhiên nếu GDP năm nay đạt 3,5-4% thì trong 2 năm liên tiếp, Việt Nam không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng. Năm ngoái GDP tăng trưởng 2,92%.

Nhưng năm 2022 cũng là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Mặc dù khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường, song nhiều nước trên thế giới chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Theo đó, khi tỷ lệ tiêm chủng cao, các nước mở cửa nhưng kết hợp các biện pháp phòng chống dịch; bởi nếu cứ phong tỏa, giãn cách sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn xã hội. Vì vậy kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022. Tuy nhiên, đà phục hồi chậm hơn dự báo trước đây và không đồng đều giữa các nước. Nước nào có độ phủ tiêm chủng lớn và nhanh thì có thể mở cửa sớm, phục hồi nhanh hơn.

Bên cạnh đó, trật tự thương mại, cơ cấu đầu tư chắc chắn có sự thay đổi và chuyển dịch, kể cả chuỗi sản xuất và cung ứng. Tất cả những điều đó sẽ có tác động đến Việt Nam. Theo phân tích và dự báo ban đầu của bộ này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%.

“Cần xác định những cơ hội để tận dụng, và hạn chế rủi ro”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, ông đề nghị các địa phương nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng... Tuy nhiên cũng phải kiểm soát tốt dịch bệnh, không thể để dịch bùng phát mạnh trở lại.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động bất ngờ.

Với một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… các chuyên gia cũng lưu ý, không thể dựa vào một, hai doanh nghiệp lớn, mà cần chiến lược tăng trưởng bền vững hơn. Theo đó, việc duy trì các nhà đầu tư chiến lược là cần thiết, nhưng cũng phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ. Đồng thời cần phải tạo được sự lan tỏa, gắn kết tốt khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước./.

Nguồn: Linh Đan