Phát triển Đại học Huế xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh


Tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc
Chiều ngày 17/9, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế về tình hình thực hiện Kết luận 84-KL/TU; tiến độ triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung các ngành mũi nhọn

Thời gian qua, Đảng ủy Đại học Huế đã quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận 84-KL/TU trên cơ sở các nhiệm vụ đối với Đại học Huế. Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 50-KH/ĐU, ngày 18/2/2020 về tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế nhằm cụ thể hóa nội dung thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Chương trình hành động 69-CTr/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vào thực tiễn Đại học Huế, các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Từ đó, Đại học Huế đã tập trung tái cấu trúc tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình hoạt động của Đại học Vùng theo quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, Đại học Huế còn chủ động đón đầu, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, ngoại ngữ, y dược để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế.

Trong đó, giai đoạn 2018-2021, Đại học Huế đã đạt được kết quả trong công tác đào tạo. Đến tháng 6/2021, Đại học Huế có 145 ngành đào tạo đại học, 104 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo đến 6/2021 đạt gần 40.000 sinh viên hệ chính quy; hơn 15.000 sinh viên hệ không chính quy, 4.500 học viên sau đại học.


PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế báo cáo tại buổi làm việc

Đại học Huế đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao; chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng; chương trình tiên tiến; đã có 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Ailen…

Về đảm bảo chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học, 7/8 trường đại học thành viên và một số chương trình đào tạo đã được kiểm định đạt chuẩn quốc gia. Theo kết quả xếp hạng đại học châu Á 2021 (QS Asia Rankings 2021), Đại học Huế được xếp vào nhóm 401-450 đại học hàng đầu của châu Á, xếp thứ 6 trong 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam góp mặt trong danh sách.

Giai đoạn 2019-2021, có tổng số 11 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thực hiện tại Đại học Huế, 24 đề tài NCCB trong KHTN&KT và KHXH&NV (NAFOSTED), 01 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo nghị định thư. Cũng trong giai đoạn này, Đại học Huế được phê duyệt chủ trì 58 đề tài và nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và 01 dự án nâng cao chất lượng tạp chí khoa học; thực hiện 22 đề tài cấp tỉnh.


Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc

Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu xuyên suốt phát triển Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Đại học Huế đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quan tâm, có cơ chế và chính sách cụ thể để cùng Đại học Huế thu hút nhân tài có giải pháp giữ chân, phát triển, bồi dưỡng tăng được đội ngũ trí thức có trình độ cao nhất là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, hiện đang già hóa và chuyển công tác đến nơi hấp dẫn hơn rất lớn; để thực hiện thành công Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/05/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao,...

Đồng thời xây dựng và đấu nối đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công nghệ thông tin các khu quy hoạch của Đại học Huế; ưu tiên giải quyết các đề án về chỗ ở cho giảng viên trẻ. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành của các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh với Đại học Huế nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu của các bên liên quan và có hướng giải quyết kịp thời cũng như lâu dài.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi làm việc

Phát triển Đại học Huế xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu biểu dương và đánh giá cao những kết quả Đại học Huế đã đạt được trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu yêu cầu, thời gian tới, Đại học Huế cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành Đại học Quốc gia; chủ động sắp xếp lại các đơn vị thành viên, trực thuộc theo hướng liên thông, kết nối, chia sẻ và sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực dùng chung; tập trung lãnh đạo thực hiện lộ trình tự chủ đại học đối với các đơn vị trực thuộc.

Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy gắn với phát huy vai trò nòng cốt, hạt nhân trong việc xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; phối hợp với các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan đóng góp, hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế thành các trung tâm lớn trên các lĩnh vực y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, văn hóa - du lịch. Trong đào tạo cần gắn kết với chất lượng đầu ra, đầu vào hợp lý để tạo sự phát triển bền vững; tập trung nguồn lực đào tạo các ngành trọng điểm, mũi nhọn.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu biểu dương và đánh giá cao những kết quả Đại học Huế đã đạt được trong thời gian qua

Lưu ý công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại học Huế cần đánh giá tác động của dịch bệnh COVID -19 để chủ động các phương án, kịch bản dạy học trong điều kiện tình hình mới nhằm bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu. Triển khai các dự án về chuyển đổi số, tạo môi trường hấp dẫn, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền để thu hút mạnh mẽ sinh viên theo học tại Đại học Huế. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác đào tạo; tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh bảo đảm nguồn lực cân đối, hài hòa, đáp ứng nhu cầu việc làm sau đào tạo; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, Bí Thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Đại học Huế phát huy truyền thống đoàn kết, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Những vấn đề khó khăn, vướng mắc của Đại học Huế tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ. Đồng thời mong muốn Đại học Huế phát triển xứng tầm bằng chính sự nỗ lực cố gắng của mình, sớm đưa Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia trong thời gian sớm nhất; góp phần vào sự thành công chung của tỉnh.

www.thuathienhue.gov.vn