Gói hỗ trợ lãi suất cần có cơ chế đặc biệt

Ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế ứng phó với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Quả vậy, ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư, gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.


                                                                                Hỗ trợ lãi suất phải đảm bảo phát huy hiệu quả, không tạo áp lực lên lạm phát, nợ xấu                                                                          

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, đến ngày 31/8, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.Song song với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện cắt giảm các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD giảm sâu mặt bằng lãi suất. Mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng lớn đã đồng thuận cắt giảm thêm lãi suất từ 0,5-1% từ ngày 15/7 đến 31/12/2021 với tổng số tiền lãi cắt giảm lên tới 20.300 tỷ đồng. Ngoài cam kết chung, 4 NHTM Nhà nước còn cam kết cắt giảm thêm 4.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng) để giảm lãi suất, phí cho người dân, doanh nghiệp…

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn kiến nghị giảm thêm lãi suất. Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại gánh 1%. Đồng thời, có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.

Trước kiến nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới đây về gói hỗ trợ lãi suất tháo gỡ khó khăn cấp bách về dòng tiền cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ lãi suất hiệu quả

Nhấn mạnh quan điểm là đến thời điểm này cũng cần có thêm những gói để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tuấn Anh, cần phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để chính sách phát huy hiệu quả, đồng thời phải đạt được mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thận trọng trên là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2009, Việt Nam từng thiết kế gói hỗ trợ lãi suất tương đối mạnh tay. Nhưng do cách làm trước đây tương đối chủ quan, những “chốt” về vĩ mô và vi mô không đặt ra ngay từ đầu nên chẳng những gói hỗ trợ này hiệu quả là không lớn khi tăng trưởng GDP chỉ lình xình quanh ngưỡng 5-6%, trong khi đã khiến lạm phát tăng mạnh lên 18,58% trong năm 2011.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, năm 2009 đã sử dụng khoảng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng (thời điểm đó) để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Mặc dù chính sách đó cũng có tác dụng nhất định, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ khi mà sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Vì vậy theo ông, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần phải tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia, so với dư nợ tín dụng hiện nay của nền kinh tế khoảng gần 10 triệu tỷ đồng, thì quy mô dư nợ hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm khoảng 1%, chưa thấm gì so với khó khăn của doanh nghiệp sau 4 đợt dịch. Vì vậy, các chuyên gia đề nghị cần xem xét tăng quy mô gói hỗ trợ này, đẩy nhanh tiến độ triển khai song tất nhiên phải đi kèm với các cơ chế giải pháp kiểm soát lạm phát, để giữ được ổn định vĩ mô tránh đi vào vết xe đổ năm 2009.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia quy mô gói hỗ trợ lãi suất quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét. Cho rằng gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng, theo đề xuất của TS. Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của NHNN tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của dân chúng hoặc vay của NHNN để tăng quy mô của gói hỗ trợ...

Bên cạnh nguồn lực, vấn đề cơ chế mới là vấn đề then chốt đảm bảo gói hỗ trợ lãi suất triển khai thông suốt. Bởi theo Luật Các TCTD, doanh nghiệp muốn vay được vốn phải đảm bảo: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Như vậy, chắc chắn số lượng doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ là rất ít. Vì vậy, TS. Nghĩa đề xuất cần tạo ra khung khổ pháp lý giúp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo… vẫn tiếp cận được gói hỗ trợ.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện tại, do dịch bệnh nên tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, muốn phân loại rất khó. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không có doanh thu trong khi ngân hàng không thể giảm chuẩn cho vay, muốn giảm chuẩn cũng cần phải có quy định, không thể tự hành động. Vì vậy, Quốc hội cần cho một cơ chế, nguyên tắc, điều kiện trong bối cảnh lịch sử nhất định để ngân hàng xem xét cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đồng thời, khi có cơ chế thì cũng phải tính toán xem kiểm soát, kiểm tra rủi ro như thế nào trước, sau và trong khi cho vay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tới đây, ngành Ngân hàng cũng sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu thực hiện gói hỗ trợ này. NHNN cũng sẽ báo cáo các cấp thẩm quyền được áp dụng cơ chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này. Nếu áp dụng theo đúng tiêu chuẩn hiện nay thì sẽ rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Vì thế, không có cơ chế đặc biệt thì chắc chắn gói hỗ trợ lãi suất này không thể giải ngân./.

Nguồn: Hà Thành (thoibaonganhang.vn)