Giải bài toán thiếu hụt lao động sau giãn cách

Thiếu hụt lượng lớn lao động

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng vẫn không thể hoạt động hết công suất vì thiếu lao động.

Tại tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 -50% số lượng lao động. Do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hơn 60% lao động so với trước dịch, trong đó có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó tuyển mới.

Không chỉ có ngành dệt may thiếu nhân lực, thực tế nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng gặp tình cảnh tương tự. Đại diện Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, sau thời gian tạm nghỉ nhà máy đã có phương án sản xuất trở nhưng việc huy động nhân sự gặp khó khăn. Hơn 500 công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương không đi lại được, số khác đã về quê hoặc ở trong các khu phong tỏa. Trong khi kế hoạch sản xuất sắp tới cần 3.000 lao động nhưng hiện mới chỉ có gần 2.000 người.

Không chỉ có nỗi lo về thiếu lao động, chủ một doanh nghiệp thực phẩm bày tỏ quan ngại về khả năng cạnh tranh trong tuyển dụng sẽ gia tăng. Bởi, tại thời điểm này doanh nghiệp rất khó để huy động lượng lao động đã nghỉ việc quay trở lại nhà máy nên đa phần sẽ lựa chọn tuyển dụng mới. Sự cạnh tranh trong thu hút, giữ chân người lao động sẽ gay gắt hơn khi người lao động lựa chọn những doanh nghiệp có mức lương, chế độ phúc lợi ưu đãi hơn như hỗ trợ nhà ở, chăm sóc con cái, hoạt động vui chơi của công đoàn...

"Hút" lao động để doanh nghiệp đón đà phục hồi

Các chuyên gia cho rằng, với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tiến độ tiêm vắc-xin được đẩy nhanh, dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là rất lớn. Trước tình hình đó, nhiều cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hỗ trợ. 

Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm của 11 địa phương bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh... đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch đã thu hút được 95 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động. Ngay trong phiên đã có 91 lao động trúng tuyển và 73 lao động được hẹn phỏng vấn tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, hoạt động trên địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp và chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyển lao động với nhiều hình thức đa dạng như: tuyển dụng trực tuyến tại Trung tâm, hỗ trợ thông tin tuyển dụng qua zalo, Facebook… Tính đến giữa tháng 7/2021, 79.853 lao động tại 263 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại làm việc. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận nhu cầu tuyển mới 43.100 lao động của 14 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu tại các công ty lớn.

Cũng nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người lao động, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP. Hà Nội đã phát động "Chiến dịch 90.000 việc làm". Sau 6 tháng triển khai đã có 90.656 thanh niên, sinh viên có việc làm, với 289.674 lượt ứng tuyển thành công, bảo đảm trung bình mỗi thanh niên được kết nối với 4 công việc phù hợp. Trong đó, 75,54% là công việc toàn thời gian, 24,46% là công việc thời vụ, thực tập; đáng chú ý có tới 45,96% là công việc trực tuyến, việc làm từ xa bảo đảm giãn cách xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin cho người lao động.  Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, việc ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 cho lực lượng công nhân đang được đẩy mạnh trong những ngày gần đây nhằm giúp các doanh nghiệp sớm mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại. Tính đến ngày 25/9, đã có trên 322.000 người lao động làm việc tại hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp được tiêm vắc-xin. Trong tuần này, các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho những công nhân “3 tại chỗ” và công nhân chuẩn bị đến doanh nghiệp làm việc sau thời gian ngừng việc do dịch bệnh.

Tuy nhiên, để thị trường lao động ổn định giúp doanh nghiệp đón được đà phục hồi sau giãn cách, các chuyên gia cho rằng, ngoài hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, mỗi doanh nghiệp cần phải đưa ra những chính sách hấp dẫn hơn để thu hút người lao động như: lương, phụ cấp, bảo hiểm... Song song với đó là những thông tin cụ thể về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, giúp người lao động yên tâm tuyển dụng làm việc tại doanh nghiệp./.

 

Nguồn: Hương Giang (thoibaonganhang.vn)