Đề xuất 6 giải pháp phục hồi kinh tế

Điều hành năm 2021-2022 là một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xem xét, cho ý kiến. Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 4/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới, cần nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ đó xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022 bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hàng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

Không thể an toàn tuyệt đối mà vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào. Chính phủ cần ban hành Khung chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch, lộ trình mở cửa rõ ràng, khả thi.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Để đối phó với đại dịch, các nước đã đưa ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế.

Không tránh khỏi đại dịch, Việt Nam đã chịu tổn thất nặng nề. Đất nước và nền kinh tế đang cần có một chương trình, kế hoạch phục hồi kinh tế. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế.

Để phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, Việt Nam cần 6 giải pháp chính.

Thứ nhất, chuyển từ chiến lược “mục tiêu kép” thành chiến lược “đa mục tiêu”. Tức là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, an ninh tâm lý và xã hội; năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.

Thứ hai, nhất quán thay đổi mô hình, chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh chiến lược vaccine. Theo đó, mô hình “sống chung với virus” cần được làm rõ nội hàm cùng với những chiến lược, sách lược và giải pháp, hướng dẫn cụ thể. Ngoài việc phân nhóm cấp độ dịch theo địa bàn (địa lý như phường, xã, tổ, thôn, xóm…), cũng cần phân loại và có lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp đối với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể tùy thuộc vào mức độ nguy cơ lây nhiễm.

Theo đó, có thể phân nhóm các ngành kinh tế thành 3 cấp độ:

1. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đóng góp quan trọng nhưng có nguy cơ lây nhiễm thấp như nông nghiệp, xây dựng, vận tải - kho bãi (logistics)…;

2. Các ngành kinh tế đóng góp trung bình, có nguy cơ lây nhiễm trung bình, như bất động sản, ICT, du lịch...;

3. Các ngành kinh tế đóng góp trung bình nhưng có mức độ lây nhiễm cao như vận tải hàng không/công cộng, dịch vụ ăn uống (tại chỗ), lưu trú, quán bar, cơ sở giáo dục - đào tạo, trung tâm thể thao, phòng tập gym…


                                                                    Tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền cho các doanh nghiệp                                                                                              

Thứ ba, xây dựng kịch bản sống chung với virus với các biện pháp phòng dịch, quy tắc giao tiếp xã hội phù hợp trong trạng thái bình thường mới. Nhưng phải thận trọng tránh quá nôn nóng khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội hoặc không có biện pháp ứng phó khi dịch bùng phát trở lại.

Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa cần phù hợp hơn về thời gian, không gian, địa điểm; không phong tỏa tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi lớn (nhất là các hoạt động thiết yếu), ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tình hình an ninh trật tự xã hội; có hướng dẫn sản xuất an toàn và trao quyền cho doanh nghiệp quyết định lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp… Bên cạnh đó, cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường ứng dụng CNTT và dữ liệu để kiểm soát dịch, kiểm tra năng lực y tế và điều trị - đây đang là điểm yếu lớn của Việt Nam cần sớm khắc phục.

Quan điểm xuyên suốt ở đây là “không thể an toàn tuyệt đối mà vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào”.

Thứ tư, cần nhanh chóng ban hành Chương trình/Kế hoạch phục hồi kinh tế với thời gian đủ dài, ít nhất là 2 năm (2022-2023). Trong giai đoạn này cần kiên định “đa mục tiêu”, khai thác các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh.

Chính phủ cần ban hành Khung chương trình phục hồi kinh tế để các bộ, ngành địa phương nhất quán xây dựng kế hoạch phục hồi và sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện mới của mình. Chính phủ cũng cần ban hành kế hoạch, lộ trình mở cửa rõ ràng, khả thi để doanh nghiệp, người dân có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh của mình.

Thứ năm, khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo (quan tâm hỗ trợ lực lượng lao động tự do, ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116).

Tiếp nữa, cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung, dài hạn là tích cực); tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.

Thứ sáu, không để đứt gãy quá nhiều chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và chuỗi lao động. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể về hộ chiếu vaccine, luồng xanh, xử lý nghiêm những trường hợp gây khó dễ, vô cảm, làm đứt gãy chuỗi cung ứng một cách vô lý. Đồng thời, cần có kế hoạch, phương án cụ thể về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, mời quay lại làm việc, đào tạo và giữ chân lực lượng lao động. Việc này đòi hỏi nỗ lực, sự phối hợp ăn ý của 4 bên: Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người lao động.

Về nguồn lực và thực thi, chúng ta cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tín dụng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn. Chính phủ nên cân nhắc phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, vay quốc tế (từ các tổ chức WB, ADB…) vì dư địa nợ công vẫn còn và lãi suất vay (cả trong nước và quốc tế) đều đang ở mức thấp. Nhiều nước đang phát triển như: Philippines, Indonesia, châu Mỹ Latinh… đang đi theo hướng này.

Trong quá trình đó cần hết sức chú trọng, quyết tâm cải tiến hiệu quả, kịp thời của khâu thực thi. Ở đây, vai trò giám sát, đôn đốc của bộ, ngành chủ trì và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với chế tài cụ thể sẽ mang lại kết quả tích cực hơn./.

Một số động lực chính:

- Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác cơ hội nhiều đối tác quan trọng đang phục hồi nhanh. Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa.

- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

- Đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, trong đó cần tháo gỡ ngay những rào cản trong các quy định phòng chống dịch và đầu tư - kinh doanh không phù hợp để người dân, doanh nghiệp yên tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn còn diễn ra.

- Thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân; Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số - chính phủ số vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp; gắn với chiến lược phục hồi xanh.

(Title bài do Tòa soạn đặt)

Nguồn: TS. Cấn Văn Lực và cộng sự (thoibaonganhang.vn)