Công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt


Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 mở ra những cơ hội mới cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nếu Việt Nam quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển rút ngắn phù hợp.

Nội lực nền công nghiệp còn yếu

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới...

Tuy vậy, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nhận thức về phát triển nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước chưa đầy đủ...

cong nghiep hoa hien dai hoa cong nghe va doi moi sang tao la dong luc then chot
Ảnh minh họa

Thông tin về hiện trạng ngành công nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khảo sát của Bộ Công thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước CMCN lần thứ tư cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài CMCN 4.0; doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

Thẳng thắn nhìn vào những điểm nghẽn của ngành công nghiệp trong nước hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Nguồn lực xã hội cũng chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.

Nguyên nhân của những điểm nghẽn nêu trên do còn thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ và hấp dẫn để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, lớn mạnh để trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Thiếu tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường thế giới để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các phương pháp quản trị sản xuất hiện đại, hiệu quả. Cùng với đó là thiếu tính định hướng về phân bổ nguồn lực xã hội từ trung ương đến địa phương và khu vực tư nhân khiến cho các dòng vốn đầu tư không đi vào khu vực sản xuất.

Cần lựa chọn mô hình phù hợp

TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn. Từ đó đặt ra yêu cầu và đòi hỏi trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước phải gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

“Tuy vậy, điểm xuất phát của Việt Nam còn nhiều điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, vậy làm thế nào để Việt Nam có thể thực hiện được thành công quá trình CNH, HĐH đất nước. Do đó, cần phải xác định được mô hình, con đường CNH, HĐH và lựa chọn chính sách cho phù hợp”, ông Hiển nhấn mạnh.

TS. Arkebe Oqubay - Bộ trưởng, cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng Ethiopia cho rằng, một trong các giải pháp đó chính là chính sách thu hút FDI, cần chú trọng tới FDI công nghệ cao, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự kết hợp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt. Đặc biệt nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ưu tiên nguồn lực để nghiên cứu đổi mới sáng tạo...

Chia sẻ kinh nghiệm của Ethiopia, ông Arkebe Oqubay cho biết, từ năm 2004-2018, nền kinh tế Ethiopia đã tăng trưởng 10%, trước đó là khoảng 5,5%. Ethiopia đã theo đuổi chính sách công nghiệp hóa nhất quán và tập trung vào việc học tập, thông qua việc tổ chức nhiều đối thoại chính sách để học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…

Cho rằng bối cảnh thế giới và trong nước đang có nhiều thay đổi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải có tư duy mới trong phát triển CNH, HĐH đất nước. Cụ thể đó là xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, dịch chuyển các dòng đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong nước, quy mô thị trường 100 triệu dân với cơ cấu dân số vàng duy trì trong khoảng 20 năm tới và tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng; chi phí lao động và đất đai ngày càng kém cạnh tranh so với các nước mới nổi; cạnh tranh trong nước ngày càng gia tăng do độ mở nền kinh tế ngày càng lớn.

Do đó, trong thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp và thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về CNH, HĐH. Chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước..

Đồng thời, phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định công nghệ không còn là nhu cầu mà là yếu tố sống còn, vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu là vô cùng quan trọng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ không được dàn trải mà tập trung trước hết vào những doanh nghiệp lớn, để kéo doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển.

thoibaonganhang.vn