Lĩnh vực trung gian thanh toán có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê, hiện nay có khoảng trên 100 DN fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tài chính cá nhân... Lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn.


Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: Lĩnh vực TGTT tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Ảnh: VGP

Tại hội nghị sơ kết hoạt động nhóm hội viên tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) và fintech diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, đến nay, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của VNBA. Hiện cả nước có khoảng 80.000 điểm thanh toán bằng QR code, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp triển khai.

Kết quả giao dịch qua các dịch vụ TGTT đều tăng trưởng tốt. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các công ty chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội. Theo số liệu của NHNN, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng, nhưng tăng tới 3.000% về giá trị…

Bên cạnh đó, các tổ chức TGTT thường xuyên kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ  nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao.

Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các đơn vị TGTT đã thực hiện tốt nhiệm vụ, dịch vụ của mình một cách thông suốt, an toàn, hiệu quả và có những chính sách phù hợp, giảm phí hợp lý cho người sử dụng.

Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động TGTT vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, như khung khổ pháp lý về dịch vụ TGTT, fintech còn thiếu và chưa đồng bộ; khó khăn trong triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng. Việc quy định khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và liên kết ví với thẻ ngân hàng gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Lĩnh vực ví điện tử chưa có văn bản điều chỉnh chi tiết. Hiện tại NHNN đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời xây dựng thông tư thay thế Thông tư 39 để ban hành ngay khi nghị định thay thế này có hiệu lực.

Đối với khung khổ pháp lý thử nghiệm fintech: NHNN đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tuy nhiên một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tế…

Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức TGTT, fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, lĩnh vực TGTT tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức TGTT Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại, nhưng cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 101 để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử. Do đó, các đơn vị liên quan cần sớm xây dựng, đưa vào khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác. Trong đó cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng, nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ TGTT.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân, VNBA kiến nghị cần sớm ban hành nghị định quy định một cách đầy đủ, toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, khuôn khổ pháp lý liên quan đến trung tâm thanh toán, fintech và đặc biệt EKYC (định danh khách hàng điện tử) cần được quan tâm. Lãnh đạo NAPAS mong muốn phía NHNN làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến trung tâm thanh toán và fintech, qua đó các ngân hàng thương mại cũng tiếp cận vấn đề rõ ràng hơn, giúp các TGTT có thể triển khai dịch vụ thuận lợi nhất để phát triển ví điện tử. 

Anh Minh(baochinhphu.vn)