Chuyển đổi số tạo sức bật cho nông nghiệp

Nông nghiệp vẫn còn manh mún, thiếu liên kết

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ với 7,8 triệu thửa ruộng và 14 triệu hộ nông dân. Nếu không chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thì giá trị của 7 vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp với những sản phẩm đặc hữu sẽ khó phát huy được.

Trong thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng ở các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mang lại nhiều kết quả khả quan, ước tính đến cuối năm nay, cả nước có trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền địa phương, chủ yếu do cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

“Toàn ngành nông nghiệp đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin, có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng...”, ông Tiến cho biết.

Nêu ra những thách thức để phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, bà Dina Umali-Deininger - Giám đốc thực hành nhóm nông nghiệp và thực phẩm, Ngân hàng Thế giới (WorldBank) cho biết, đó là việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, suy giảm chất lượng của đất, khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Tại Việt Nam hiện nay, ngành nông nghiệp chiếm tới 18% phát thải khí nhà kính.

Ông Lê Vũ Minh - Giám đốc khối tư vấn chiến lược và đổi mới, FPT Digital cũng chỉ ra, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn đó là: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngành nghề nặng tính thủ công và xu hướng chuyển dịch lao động khi có sự cạnh tranh từ khối ngành công nghiệp và dịch vụ. Do đó, nông nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển dịch tương ứng nhằm tăng hiệu quả trong canh tác, sản xuất để bắt kịp xu thế thị trường, đồng thời phát triển vượt mục tiêu 3,84%/năm. Chuyển đổi số sẽ là nền tảng hỗ trợ quá trình này.

Số hóa từ những điều đơn giản

Theo ông Lê Vũ Minh, ở Việt Nam, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản. Đồng thời cũng tạo niềm tin cho người nông dân, để họ có động lực tiến xa hơn trên con đường số hóa, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường tốt hơn.

Tiếp đó, có thể sử dụng những công nghệ hiện đại hơn như AI và Data Analytics trong cảnh báo nông nghiệp. Đơn cử, như Google AI có thể nhận biết hơn 5000 mẫu đất, nước, sinh vật nhằm hỗ trợ các thiết bị không người lái phát hiện sớm dịch bệnh và thiệt hại mùa màng. Hay IBM đưa ra ứng dụng “IBM The Weather” cung cấp các dự báo và phân tích thiệt hại chính xác đến 70% – 80% trong vòng 72 giờ trước khi các cơn bão đi qua.

Đồng thời, theo ông Minh, hệ sinh thái số cho nông nghiệp sẽ là đích đến để đảm bảo phát triển bền vững, chủ thể là doanh nghiệp và người nông dân. Nhưng hệ sinh thái này sẽ chỉ thành công khi có sự hợp tác của các bên liên quan như Chính phủ, doanh nghiệp logistics, công ty công nghệ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp bán lẻ và cả người tiêu dùng.

Từ câu chuyện của Israel - đất nước hầu như không có bất cứ điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để phát triển nông nghiệp truyền thống nhưng lại thành công khi áp dụng công nghệ nông nghiệp, ông Nadav Eshar, đại sứ Israel cho biết, hình ảnh của những cánh đồng nhân tạo trên sa mạc, các vựa tôm trong lồng kính… là công sức của ngành công nghệ nông nghiệp mà Israel đã xây dựng được trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Gợi ý cho Việt Nam, ông Azizz Elbehri - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã giới thiệu sáng kiến 1.000 ngôi làng số thông minh đã và đang triển khai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, trong sáng kiến này, Chính phủ các nước xây dựng hệ sinh thái công nghệ số để tạo dựng những ngôi làng thông minh, bao gồm: hạ tầng truy cập internet, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, công nghệ số và kích cầu các dịch vụ số... phục vụ đời sống của người dân nông thôn.

Nêu khó khăn khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Châu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mặc dù đã có 60.228 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích canh tác của tỉnh, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm 38,4% trong ngành nông nghiệp nhưng vẫn gặp vướng mắc khi thu hút đầu tư. Bởi lẽ, lĩnh vực này cần đầu tư lớn, diện tích đất lớn, dự báo thị trường chưa sát, giá thành sản xuất còn cao... Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, quản lý quy hoạch chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, thiếu tôn trọng quy định về sở hữu trí tuệ…

Về vấn đề này, theo ông Nadav Eshar, 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư. Ở đây, vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bà Dina Umali-Deininger cho rằng, hầu hết các khoản đầu tư của Chính phủ đều hướng tới hạ tầng, cần mở rộng các khoản đầu tư, khuyến khích các đơn vị cung cấp giải pháp nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến thông minh cho nông nghiệp.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho người nông dân, có chương trình đào tạo về năng lực số. Số hóa các hoạt động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nâng cao khả năng giám sát các hoạt động số. “Việt Nam có lợi thế là đội ngũ doanh nhân, nhà khoa học trẻ tuổi rất đam mê với nông nghiệp số. Chúng ta có thể tận dụng và thúc đẩy họ”, đại diện WB nhấn mạnh./.

Nguồn: Quỳnh Trang (thoibaonganhang.vn)