4 tỉnh, thành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù từ 1.1.2022


Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Phạm Đông
Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Phạm Đông
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 và Nghị quyết số 37/2021/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp.

Nghị quyết số 38/2021/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

4 địa phương trên thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù từ ngày 1.1.2022 và thực hiện trong 5 năm.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù đối với Hải Phòng, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Tại các phiên thảo luận trước khi Nghị quyết này được thông qua, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đều thống nhất đánh giá, cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới. Với chính sách thu phí và lệ phí, thành phố sẽ có nguồn thu quan trọng để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

Đối với quản lý đất đai, việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tuân thủ theo các quy định như thực hiện công khai, lấy ý kiến của người dân, đối tượng chịu sự tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai sẽ là cơ sở quan trọng để khi thành phố triển khai các dự án lớn, đặc biệt là các dự án liên quan đến phát triển bền vững.

Việc này sẽ tránh được tình trạng thiếu cơ sở pháp lý như triển khai các dự án liên quan đến đất nông nghiệp, trong đó có đất rừng như trước đây.

Nghị quyết này cho phép điều chỉnh thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương nhưng lương cơ bản của cán bộ, viên chức, người lao động chỉ tương đồng với các tỉnh, thành phố khác.

Do đó, Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố. Cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc. Mức chi này không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quy định sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố điều chỉnh thu nhập cho người lao động và giữ chân nhân tài.

PHẠM ĐÔNG (LAODONG.VN)