Kinh tế sẵn sàng cho phục hồi nhanh

Nhiều tín hiệu tích cực

Số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực sau hơn một tháng các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, các chỉ số kinh tế tháng 11 như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng bán lẻ, xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới… tất cả đều tăng so với tháng trước. Điều đó chứng tỏ đà phục hồi đang diễn ra tích cực.

Quả vậy, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,4%. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 6,2% so với tháng trước (dù vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước).

Tiêu dùng phục hồi tích cực sẽ hỗ trợ cho sản xuất phục hồi

Với đà tăng của tiêu dùng và xuất khẩu, TS. Cấn Văn Lực nhận định, như vậy 2 trong 3 trụ cột của “cỗ xe tam mã” (tiêu dùng – xuất khẩu – đầu tư) đang cho thấy sự phục hồi tốt.Cùng chiều hướng phục hồi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi nhìn vào cán cân xuất – nhập khẩu là thực tế nhập khẩu có đà tăng nhanh hơn xuất khẩu (kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2021 ước tính đạt 29,8 tỷ USD, tăng 14% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước). Nguyên nhân vì sao và liệu điều này có tạo ra lo ngại nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu trong thời gian tới?

Giải đáp băn khoăn này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng đó là diễn biến hết sức bình thường. “Năm nay vì biến động giá cả khác nhau, trong đó giá cả của các mặt hàng nhập khẩu (nhất là các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất) tăng nhanh hơn so với hàng xuất khẩu, cho nên giá trị kim ngạch của nhập khẩu cũng tăng nhanh hơn so với xuất khẩu”, chuyên gia này lý giải và cho rằng: “Nên kể cả có nhập siêu 1 vài tỷ USD ở thời điểm hiện tại thì cũng không đáng quan ngại, chưa kể chúng ta vẫn giữ được xuất siêu nhẹ 225 triệu USD. Bởi khi giá hàng hóa thế giới bình ổn trở lại thì lập tức kim ngạch nhập khẩu của chúng ta sẽ tăng chậm hơn, trong khi xuất khẩu tăng cao hơn. Và lúc đó xuất siêu cũng sẽ khả quan hơn”.

Cẩn trọng với các thách thức

Trong khi đó về đầu tư cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tăng 14,7% so với tháng trước đó; vốn FDI tiếp tục phục hồi, trong đó vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Hoạt động đầu tư kinh doanh của khu vực cũng tích cực. Biểu hiện rõ nhất là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11 đều tăng mạnh so với tháng trước, tổng cộng đạt gần 17 nghìn...

Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực, các chuyên gia cũng cảnh báo về nhiều thách thức và rủi ro còn “trực chờ” phía trước. Trong đó, nổi lên là tiêu dùng phục hồi vẫn rất chậm. “Mặc dù tháng 11 đã tăng so với tháng trước nhưng lẽ ra phải phục hồi nhanh hơn sau hơn một tháng chúng ta triển khai Nghị quyết 128. Thông thường tiêu dùng phải tăng khoảng 10%, nên điều đó cho thấy sức cầu tiêu dùng còn yếu khi thu nhập giảm và các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch… vẫn chịu tác động của dịch bệnh”, TS. Lực nói. Vì vậy theo ông, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với các hoạt động kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó là sức ép lạm phát. Dù năm nay lạm phát nhiều khả năng chỉ quanh mức 2% (trong đó hết 11 tháng, CPI bình quân chỉ tăng 1,84%) nhưng áp lực của năm tới là rất lớn. “Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát năm 2022 có thể ở mức 3,4 - 3,7%. Nếu lạm phát năm nay khoảng 2% thì việc tăng lên mức đó là mức tăng rất mạnh, nên rất cần lưu ý”, TS. Lực cảnh báo.

Một điểm cần lưu ý nữa là mặc dù thu ngân sách năm nay hoàn toàn có thể đạt và vượt dự toán nhưng nguồn thu ngân sách năm tới nhiều khả năng sẽ bị giảm do tiếp tục các chính sách về giãn, hoãn thuế, giảm phí… trong khi các nguồn thu tăng đột biến (như từ tiền thuê đất, thu từ khối chứng khoán, tài chính - ngân hàng…) có được trong năm nay là nguồn thiếu bền vững và khó có thể tiếp tục có được trong năm tới.

TS. Phạm Sỹ An - Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, các số liệu kinh tế tháng 11 vừa qua là đáng mừng, nhưng quan trọng hơn là cần “nhìn về tương lai”. Theo chuyên gia này, hiện có một số rủi ro lớn trong năm tới. Trong đó về lạm phát, cần chú ý thêm đến nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” trong bối cảnh các nền kinh tế đều thực hiện các gói kích cầu, khiến tổng cầu tăng và áp lực lạm phát tăng (thực tế ở nhiều nền kinh tế lớn, lạm phát đã tăng rất mạnh). Như vậy, áp lực lạm phát năm tới sẽ đến cả từ yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo.

Bên cạnh đó, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh, song hành cùng với nợ công và bội chi ngân sách có thể tăng cũng là những rủi ro đòi hỏi sự cẩn trọng. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước có thể áp dụng. “Hiện nhiều nước đang thực hiện các gói kích thích kinh tế. Để các gói kích thích này hiệu quả thì các nước thường cùng với đó sẽ thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới có thể sẽ gặp khó khăn trước các biện pháp như vậy”, chuyên gia này cảnh báo và cho rằng, ngoài ra cần lưu ý thêm rủi ro về các biến chủng mới của Covid để chủ động phòng chống. Như hiện nay là biến chủng Omicron với dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng đã có.

Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ

Nguồn: Đỗ Lê (thoibaonganhang.vn)