Ngành chăn nuôi nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Dự báo thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng rất mạnh, do đó ngành chăn nuôi đang nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn cung. Tuy nhiên, hiện nay, ngành lại đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát. Chính vì thế, rất cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời giúp ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới.

Theo Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó dịch bệnh cũng làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành, đồng thời tác động làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%, trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp. Tuy nhiên để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, Hà Nội liên tục duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của lĩnh vực chăn nuôi cơ bản vẫn ổn định.


Hiện chăn nuôi lợn trên địa bàn đã có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được quan tâm, nhưng việc giá thịt lợn hơi giảm mạnh cùng với bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại từ ngày 2/10/2021 tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Đàn lợn hiện có 1,38 triệu con, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 10 tháng ước tính đạt 186,9 nghìn tấn, tăng 6,5%. Chăn nuôi gia cầm đạt khá, dịch cúm gia cầm (cúm A/5N6) đã qua 21 ngày không xuất hiện trên địa bàn. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, mở rộng quy mô của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.Thành phố hiện vẫn duy trì 7.528 trang trại chăn nuôi, trong đó có 110 trang trại quy mô lớn. Trong tháng 10/2021, chăn nuôi trâu, bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu hiện có 27,4 nghìn con, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,4%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 10 tháng ước đạt 1.551 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò 8.865 tấn, tăng 0,3%; sản lượng sữa bò tươi 32,2 nghìn tấn, tăng 5,6%.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời điểm này khi Hà Nội triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, từng bước mở cửa trở lại nhiều hoạt động thì ngành nông nghiệp đã và đang triển khai các phương án sản xuất an toàn. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên địa bàn đang đẩy mạnh việc tăng đàn, tái đàn gia súc, gia cầm. Theo đó ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tập trung tăng đàn, tái đàn ở 76 xã chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mê Linh... Chủ trương của Hà Nội là giữ vững tổng đàn gia cầm khoảng 40 triệu con và tăng tổng đàn gia súc, trong đó đưa đàn lợn của thành phố lên 1,6-1,8 triệu con với sản lượng xuất chuồng khoảng 250.000 tấn vào cuối năm 2021. Với số lượng và sản lượng như vậy sẽ cơ bản đáp ứng nguồn cung cho người dân Thủ đô, kể cả dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đánh giá của các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản phẩm thịt gà, thịt lợn. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng phi mã đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến giá thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường. Trong khi đó, thị trường nội địa chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn lại phải nhập từ nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 9 lần thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông hộ, nhất là khi giá gia cầm, giá lợn hơi giảm sâu. Theo đó việc giải bài toán thức ăn chăn nuôi đang là việc cần phải làm ngay.

Trước những thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi đã thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Cục Chăn nuôi kiến nghị cần có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào. Hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán. Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022, giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19./.

Nguồn: Nguyễn Minh (thoibaonganhang)