Cần hỗ trợ nhiều hơn cho tín dụng xanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết nói trên, nguồn lực tài chính chính là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Hệ thống tài chính - ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế sẽ là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực không thể thiếu trong quá trình huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.


Trên thực tế ngành Ngân hàng luôn nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, ngân hàng xanh và vai trò của hoạt động ngân hàng trong phát triển bền vững. Điều này thể hiện rõ qua việc NHNN đã xây dựng và ban hành nhiều chỉ thị, quyết định, thông tư để thúc đẩy định hướng phát triển ngân hàng xanh, thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam.

Chia sẻ về kết quả sau ba năm thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định 1604/QĐ-NHNN, ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, thời gian qua NHNN đã tiếp tục hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng theo hướng lồng ghép các quy định về bảo vệ môi trường, từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động tín dụng xanh. Nhờ đó, các ngân hàng chú trọng hơn trong đầu tư tín dụng xanh. Quy mô dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng mạnh qua các năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.

Thông tin cụ thể hơn, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến 31/12/2021, dư nợ đối với các dự án xanh đạt hơn 451 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 35,56% so năm 2020, gấp 2,5 lần so với năm 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo. Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (MTXH) đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2017 của 696.133 khoản cấp tín dụng. Bên cạnh đó, có 30,70% ngân hàng đã xây dựng, ban hành các hướng dẫn/quy định nội bộ riêng về quản lý rủi ro MTXH trong hoạt động cấp tín dụng...

Không chỉ các ngân hàng trong nước, mà cả các ngân hàng nước ngoài cũng rất quan tâm tới tín dụng xanh. Chẳng hạn HSBC Việt Nam vừa công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững và các doanh nghiệp tại nước ta cho đến năm 2030. Trước đó, HDBank và Proparco (Tổ chức Tài chính phát triển của Pháp) cũng cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ tín dụng dài hạn trị giá 100 triệu USD để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục triển khai chương trình ưu đãi cho vay với doanh nghiệp để triển khai các dự án xanh. Điều này cho thấy các TCTD đã có sự quan tâm nhất định tới việc dành nguồn vốn cho sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhìn chung đa số các NHTM cổ phần chưa có định hướng chiến lược về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, mà mới chỉ đang ở bước triển khai nghiên cứu để xây dựng chiến lược trong tương lai. Dư nợ tín dụng xanh hiện tập trung rất cao ở một số ngân hàng còn lại đa số các NHTM có tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng ở mức nhỏ. Cụ thể, 41,67% NHTM có tỷ trọng tín dụng xanh dưới 1%; 20,83% NHTM có tỷ trọng này từ 1 - 3%.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo đánh giá của ông Phạm Minh Tú, đó là các quy định về lĩnh vực này cơ bản mới chỉ mang tính chất định hướng, khuyến khích các TCTD thực hiện mà chưa mang tính bắt buộc. Nhiều ngân hàng chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro MTXH. Cơ chế huy động tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều ngành nghề liên quan đến tăng trưởng xanh là khá mới mẻ ở Việt Nam, kinh nghiệm của cả chủ đầu tư lẫn các NHTM còn hạn chế. Đặc biệt, hầu như chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy các TCTD đẩy mạnh tín dụng xanh.

Để cải thiện tình hình trên, một chuyên gia ngân hàng đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với các ngân hàng cho vay lĩnh vực xanh như được cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc áp dụng lãi suất thấp, cấp bù lãi suất chênh lệch… Các nhà băng có tỷ trọng cho vay tín dụng xanh cao cũng nên được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Cùng với đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh; đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn để cung cấp tín dụng xanh như phát triển thị trường trái phiếu xanh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp vốn xanh.

Về định hướng của cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD tập trung bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các TCTD tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài… Đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế sẽ trình lãnh đạo NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời gian tới./.

Nguồn: Hạ Chi (thoibaonganhang.vn)