Thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới để xây dựng Phong Điền trở thành Thị xã

Sáng ngày 09/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện về việc triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện Phong Điền. Dự buổi làm việc có UVTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền Đoàn Kỳ Côi cho biết, toàn huyện có 1.132 hộ nghèo với 2.446 khẩu, chiếm tỉ lệ 3,8%. Trong đó, xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất là Điền Hương với tỷ lệ 7,59%; xã có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất là Phong Hải, với tỷ lệ 1,48%; khu vực thành thị hộ nghèo còn 0,86%. Huyện đã áp dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, đặc biệt là ứng dụng “Rà soát hộ nghèo” bằng điện thoại thông minh (smartphone); qua đó, công tác rà soát đảm bảo tính trung thực, khách quan và giảm tải áp lực cho hệ thống cơ sở. 

Theo kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo toàn tỉnh, đến năm 2025 số hộ nghèo huyện Phong Điền giảm còn 692 hộ/32.241 hộ, tương ứng tỷ lệ 2,15%. Sau khi rà soát các tiêu chí thiếu hụt đối với từng hộ và phương án giảm nghèo của huyện, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 533 hộ (giảm thêm 159 hộ so với kế hoạch của tỉnh), so với tổng số hộ hiện tại (29.786 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,79%; so với tổng số hộ theo kế hoạch của tỉnh (32.241 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65%. Trong đó đến cuối năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện còn 3,13% (tương ứng với giảm 200 hộ nghèo trong năm 2022).

Lãnh đạo huyện Phong Điền báo cáo tại buổi làm việc

Sau khi tiến hành rà soát, các chỉ số thiếu hụt đối với từng địa chỉ hộ nghèo cụ thể, thì huyện đã phân thành 11 nhóm giải pháp hỗ trợ cụ thể như sau: Nhóm hộ cần hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; Nhóm hộ cần hỗ trợ về nước sạch và công trình nhà vệ sinh; Nhóm giải pháp hỗ trợ mô hình sinh kế; Nhóm giải pháp về vốn để đầu tư sản xuất và chăn nuôi; Nhóm giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề - giải quyết việc làm; Nhóm hộ cần hỗ trợ Bảo hiểm y tế; Nhóm hộ cần thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục - đào tạo; Nhóm hộ cần vận động từ gia đình và xã hội hóa ở địa phương; Nhóm hộ cần hỗ trợ về tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; Nhóm hộ cần hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo; Nhóm hộ nghèo không có người còn khả năng lao động cần các nguồn lực hỗ trợ.

Trên cơ sở xác định các nhóm giải pháp trên, huyện đề ra lộ trình giảm nghèo đến năm 2025 cụ thể như sau: Phấn đấu giảm nghèo năm 2022 là 0,7% tương đương 200 hộ (trong đó có 21 hộ không còn người có khả năng lao động); Giảm nghèo năm 2023 là 0,54% tương đương 160 hộ (trong đó có 26  hộ không còn người có khả năng lao động);Giảm nghèo năm 2024 thoát 0,44% tương đương 130 hộ (trong đó có 25 hộ không còn người có khả năng lao động);Giảm nghèo năm 2025 giảm 0,37% tương đương 109 hộ (trong đó có 20 hộ không còn người có khả năng lao động); đến cuối năm 2025 số hộ nghèo còn 533 hộ nghèo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết, Phong Điền là địa phương có nhiều thuận lợi, cần phát huy các thế mạnh và tiềm năng sẵn có để huy động các nguồn lực trong công tác xóa đói giảm nghèo; bám sát sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững tỉnh, của cơ quan, ban, ngành liên quan. Đồng thời, phải nhận diện một cách toàn diện để có những giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, có sự quan tâm trong công tác vận động, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, gắn công tác tuyên truyền vận động đến với người dân trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Huyện Phong Điền là địa phương có lợi thế về các Nhà máy, Công ty tại khu Công nghiệp Phong Điền, nên có nhiều yếu tố để giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, đề nghị huyện cần có kế hoạch triển khai cụ thể, bám sát vào điều kiện của địa phương để có những giải pháp tập trung để giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã gợi mở một số giải pháp nhằm nhân rộng những mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, gắn liền với các sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước giảm nghèo bền vững. Huy động nguồn lực xã hội, thực hiện các chế độ chính sách để xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Đề nghị huyện Phong Điền chỉ đạo các địa phương tiến hành chuẩn bị cho công tác đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ đề ra. Trong năm 2022 - 2023, Phong Điền cần tập trung huy động nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững, phấn đấu xây dựng Phong Điền sớm trở thành Thị xã.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ yêu cầu, thời gian tới Phong Điền cần nỗ lực, tập trung nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững; bám sát thực trạng của các địa phương, tiến hành rà soát, xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể. Giảm nghèo bền vững gắn liền với tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị Phong Điền cần phải đánh giá, nhận diện một cách toàn bộ, giảm nghèo là không phát sinh hộ nghèo và hộ cận nghèo, giảm nghèo gắn liền với giảm hộ cận nghèo. Qua đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo đến với các địa phương, đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó, rà soát, mô tả hiện trạng cho 1.132 hộ nghèo, xác định phương thức giảm nghèo theo địa chỉ và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ gia đình. Thường xuyên rà soát, đánh giá lại thực trạng hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ theo hướng rõ địa chỉ, tiêu chí thiếu hụt của từng hộ nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ yêu cầu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp. Tập trung cho công tác tạo việc làm và xóa nhà tạm cho hộ nghèo, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút lao động, với lợi thế khu Công nghiệp Phong Điền có các Công ty, nhà máy sản xuất sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong thực hiện giảm nghèo bền vững, đây là cơ hội lịch sử để xây dựng Phong Điền trở thành thị xã, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Tại buổi làm việc

www.thuathienhue.gov.vn