Quyết tâm đưa vốn ưu đãi tới doanh nghiệp

Để thúc đẩy tiến độ gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của NHTM, doanh nghiệp; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách.

Tích cực kết nối, tháo gỡ khó khăn

Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Nhất là trong giai đoạn cuối năm - thời điểm doanh nghiệp đang chạy đua từng ngày để hoàn thành đơn hàng, cơn “khát vốn” càng cần được giải toả hơn bao giờ hết và quan trọng đó là nguồn vốn ưu đãi.

Thấu hiểu được điều này, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để gói hỗ trợ tới tay doanh nghiệp nhanh hơn. NHNN đã tổ chức ba Hội nghị triển khai và giải đáp các vấn đề phát sinh trong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã nhanh chóng tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gia tăng khả năng tiếp cận gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.

quyet tam dua von uu dai toi doanh nghiep
Các ngân hàng đang tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Đơn cử, NHNN chi nhánh Quảng Trị đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất và chỉ đạo các NHTM trên địa bàn thực hiện rà soát, tiếp cận các khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách để hỗ trợ các chi nhánh NHTM trên địa bàn tổ chức rà soát các khoản nợ thuộc đối tượng khách hàng được hỗ trợ lãi suất, tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông tại địa phương, mạng xã hội. Kết quả đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh đạt 24,197 tỷ đồng.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 9/2022 trên địa bàn có 8 ngân hàng giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất. Doanh số cho vay từ chương trình này đạt khoảng hơn 355 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 344 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ này trên toàn hệ thống. Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, HDBank đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới các điểm giao dịch trên cả nước. Đồng thời, triển khai tức thời việc rà soát danh sách tất cả các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Còn ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc Vietbank thông tin, ngay sau khi chính sách được ban hành, Vietbank đã thông báo tới từng chi nhánh về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cũng chủ động rà soát và tìm kiếm các khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ, đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ. Không chỉ chủ động rà soát trong hệ thống khách hàng hiện tại, ông Nguyễn Hữu Trung cho biết, ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu để giúp họ phục hồi kinh doanh, tạo đà bứt phá ở giai đoạn thích ứng an toàn sau dịch Covid-19.

Vẫn còn nhiều e ngại

Có một thực tế là thời gian qua, tuy ngân hàng đã rất chủ động trong triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn. NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết, dù đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn rà soát, gửi thông báo đến 351 khách hàng có thể đủ điều kiện được hỗ trợ để nghiên cứu làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, đến 30/9/2022 chỉ có 22 khách hàng gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất, 12 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ lãi suất; 103 khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất; số còn lại chưa phản hồi.

Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với gói hỗ trợ, đại diện một số ngân hàng chia sẻ, do khâu giấy tờ, thủ tục quá nhiều và phức tạp, trong khi số tiền được hỗ trợ không nhiều. Điều mà doanh nghiệp e ngại nhất là phải đối mặt với khả năng bị thanh, kiểm tra sau này về mục đích sử dụng vốn nên hầu hết đều chấp nhận vay với lãi suất thị trường để nhanh chóng có nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp khác có mong muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện…

Không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả các ngân hàng cũng đang gặp khó trong triển khai hỗ trợ lãi suất. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây NHNN cho biết, các NHTM gặp vướng mắc khi xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nên việc bóc tách hoá đơn, chứng từ rất phức tạp. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại khi nhiều khoản ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng từ chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán.

Ngoài ra, do chương trình hỗ trợ tiền từ ngân sách nhà nước nên các NHTM rất thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Vì vậy, các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo.

Một chuyên gia kinh tế chỉ ra thêm lý do: môi trường kinh doanh đang có nhiều biến động và rủi ro nên nhiều nhà băng lại khá e dè trong việc thẩm định tín dụng, xác định đúng mục đích sử dụng vốn của khách hàng. “Để giải ngân gói hỗ trợ này nhanh nhất, cần trao thêm quyền và giảm trừ trách nhiệm cho các ngân hàng, có cơ chế đặc thù để giải ngân chứ không phải giống như gói cho vay tín dụng thông thường. Ngoài ra, có thể thêm nhiều hình thức khuyến khích, động viên đối với các nhà băng tích cực triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất. Có thể xem xét việc gắn trách nhiệm lớn hơn cho các NHTM nhà nước - là các ngân hàng có tiềm lực và quy trình thẩm định tốt, để đảm bảo an toàn của hoạt động cấp tín dụng”, chuyên gia này khuyến nghị.

Để thúc đẩy tiến độ gói hỗ trợ lãi suất, NHNN cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý kịp thời các khó khăn phát sinh của NHTM, doanh nghiệp; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các NHTM đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chính sách. Cuối năm 2022, NHNN sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện chính sách này và sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn.

thoibaonganhang.vn