Đảm bảo an toàn thanh khoản


Theo các chuyên gia, hiện NHNN đang điều tiết công cụ thị trường mở hết sức linh hoạt, bơm - hút nhịp nhàng để ổn định thanh khoản của hệ thống cũng như duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

Số liệu mới cập nhật từ NHNN, tính đến ngày 20/10, tín dụng tăng 11,38% so với cuối năm 2021, huy động vốn tăng 4,8%. Như vậy, chênh lệch huy động - tín dụng vốn khá cao. Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, NHNN cũng cho biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản.

Tại báo cáo cập nhật mới nhất về ngành Ngân hàng, CTCK VNDIRECT cũng nhận định, thanh khoản đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trước hết đến từ áp lực tỷ giá khi đồng USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm do Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất là đến năm sau. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong hai tuần đầu tháng 10 đã có thời điểm chạm mức 8%.

dam bao an toan thanh khoan
NHNN vẫn đang điều hành linh hoạt công cụ thị trường mở để ổn định thanh khoản

Trước áp lực đó, NHNN đã phải nâng lãi suất điều hành. Chuyên gia của SSI Research bình luận, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các TCTD có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, ghi nhận ở hệ thống NHTM, lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng ở tuần cuối tháng 10. Một chuyên gia đánh giá, lãi suất huy động tăng sẽ thu hút tiền gửi từ dân cư nhiều hơn, điều này sẽ hỗ trợ tích cực cải thiện thanh khoản của các ngân hàng trong giai đoạn tới. “Hiện tại, NHNN phải ưu tiên mục tiêu về tỷ giá vì thế buộc phải tăng lãi suất, đây là điều hoàn toàn hợp lý và kịp thời, hạn chế dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Tuy đánh giá thanh khoản ngân hàng chịu sức ép, nhưng các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Cụ thể, những nỗ lực chống “đô la hóa” nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể. Theo quan sát của VNDIRECT, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng được củng cố cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản được bù đắp.

Thứ hai, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Hiện gần 20 NHTM chiếm đa số trong hệ thống đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện NHNN đang điều tiết công cụ thị trường mở hết sức linh hoạt, bơm - hút nhịp nhàng để ổn định thanh khoản của hệ thống cũng như duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

Đồng quan điểm thanh khoản có thể không đáng lo ngại nhưng, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại nợ xấu tới đây chắc chắn sẽ gia tăng vì các doanh nghiệp đều đang rất khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Nhất là khi thị trường TPDN đang rất nhiều lùm xùm ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào dùng vốn ngắn hạn để đầu tư cho dự án dài hạn, nếu không huy động được vốn để trả nợ đúng hạn thì nguy cơ nợ xấu hiện hữu. Việc chuyển nhóm nợ rất nhanh và ngân hàng khó kiểm soát nếu không có những sự chuẩn bị trước. Nhấn mạnh nợ xấu sẽ là một thách thức lớn, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị trước nhiều kịch bản về khả năng gia tăng nợ xấu.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng NHNN đã và đang làm tốt nhất có thể trong việc cân đối các mục tiêu vĩ mô, đã điều hành chủ động linh hoạt các chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản của thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào sẽ tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất, đáp ứng nhu cầu vay của nền kinh tế.

Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, CTCK VietinBank nhận định, trước áp lực về tỷ giá, lãi suất, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất, dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN có thể tiếp tục bơm thanh khoản trên thị trường mở và các công cụ bơm tiền khác để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Hạ Chi (Thời báo ngân hàng)