Ngân hàng nỗ lực tạo dư địa hỗ trợ khách hàng


Mặc dù lãi suất huy động tăng, song hiện lãi suất cho vay, nhất là lĩnh vực ưu tiên vẫn đang được các ngân hàng cố gắng duy trì ổn định. Điều này chắc chắn tác động đến lãi biên (NIM) của các ngân hàng...

Lãi suất cho vay vẫn được ghìm giữ

Mặt bằng lãi suất huy động của một số ngân hàng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây do áp lực của lạm phát. Tại VPBank, tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng lãi suất dao động khoảng 5,6-6%/năm; đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, lãi suất cao nhất là 8,7%/năm. Nhìn chung các ngân hàng đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 0,3 – 1 điểm % tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các ngân hàng đã đẩy lên mức trần 6%. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Theo SSI Research, việc tăng lãi suất huy động này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường. “Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản (3-4%/năm) so với cuối năm 2021”, SSI Research thông tin thêm.

ngan hang no luc tao du dia ho tro khach hang
Các ngân hàng đang tiết giảm tối đa chi phí, giảm lợi nhuận để duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý

Dự báo lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong các tháng cuối năm 2022 do áp lực lạm phát, trong khi nhu cầu tín dụng tăng, thanh khoản thị trường vẫn chịu áp lực khi tăng trưởng huy động.

Mặc dù lãi suất huy động tăng, song hiện lãi suất cho vay, nhất là lĩnh vực ưu tiên vẫn đang được các ngân hàng cố gắng duy trì ổn định. Điều này chắc chắn tác động đến lãi biên (NIM) của các ngân hàng. Bà Phùng Thị Hải Yến - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay là mục tiêu của ngân hàng này. Để đạt mục tiêu này, Vietcombank đã và sẽ triển khai một loạt giải pháp nhằm bình ổn lãi suất cho vay cho khách hàng. Để hỗ trợ khách hàng, sắp tới, ngân hàng triển khai loạt giải pháp tiết kiệm chi phí, kiểm soát chất lượng nợ, nhất là sớm triển khai gói ưu đãi lãi suất, trong đó giảm trực tiếp lãi suất cho cả các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới.

Ngân hàng cũng cần chia sẻ

Thực tế, bên cạnh các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan so với cùng kỳ năm trước cũng đã có ngân hàng chưa được như kỳ vọng, nên dư địa để hỗ trợ khách hàng không phải quá dư dả.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK cho hay, quý III/2022, hoạt động ngành Ngân hàng chịu áp lực, NIM có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022. Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ABBANK xác định luôn sẵn sàng thích ứng và có những quyết sách linh hoạt với sự biến đổi của thị trường. Trong những tháng cuối năm, ngân hàng này sẽ đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ, cải thiện kinh doanh…

Giải pháp của ABBANK cũng là lựa chọn của nhiều ngân hàng nhằm tối ưu hoá hiệu suất kinh doanh và có thêm dư địa để hỗ trợ cho khách hàng trong thời gian tới. Trong bối cảnh room tín dụng không còn dư dả, nhiều ngân hàng đã chủ động đa dạng hoá nguồn thu, nhất là đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ để đảm bảo hoàn thành mục tiêu kinh doanh đặt ra từ đầu năm.

Thực tế cho thấy nhờ đa dạng hoá nguồn thu, nhiều ngân hàng vẫn duy trì được phong độ kinh doanh trước biến động mạnh của thị trường trong giai đoạn qua. Tại Techcombank, kết thúc quý III/2022, thu phí từ dịch vụ thẻ tăng trưởng 69,5% đạt 1.398,8 tỷ đồng, thu phí từ dịch vụ bảo hiểm cũng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ... Nguồn thu từ dịch vụ đã có đóng góp đáng kể trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của LienVietPostBank sau 9 tháng đầu năm đạt 779 tỷ đồng do các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thanh toán quốc tế, ngân hàng số… tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đa dạng hoá nguồn thu, việc chuyển dịch đẩy mạnh cho vay bán lẻ giúp nhiều ngân hàng duy trì khả năng sinh lời. Tỷ trọng bán lẻ của VIB đã vượt hơn 90%, trong đó, 93% dư nợ cho vay bán lẻ có tài sản bảo đảm. Việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay bán lẻ được đánh giá phù hợp với tình hình thực tế giúp ngân hàng có được mức NIM hợp lý, hạn chế rủi ro nợ xấu…

Một trong những yếu tố quan trọng được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng kinh doanh cho ngân hàng đó là chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh bán lẻ hay tăng thu dịch vụ đều cần đến số hóa. Và ở mặt khác, số hóa cũng góp phần giúp ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động ngày càng hiệu quả. Như tại MSB, với việc đẩy mạnh số hóa và ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ thuận ích, kết hợp nền tảng khách hàng và cơ cấu tài sản sinh lời hiệu quả, 9 tháng đầu năm tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi có sự cải thiện mạnh mẽ đạt 38,25%… Nhờ vậy, MSB ghi nhận NIM đạt mức hiệu quả trong các năm gần đây ở mức 4,34%.

Những yếu tố trên tạo điều kiện thuận lợi hơn để các ngân hàng có thể ghìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay không tăng mạnh theo đà tăng lãi suất huy động. Song, bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy tăng trưởng, khi dư địa chính sách tiền tệ hầu như không còn. Nhất là các ngân hàng cần phải có nguồn lực dự phòng để xử lý nợ xấu đang có nguy cơ tăng nhanh trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải là lãi suất, mà là chuyện đứt gãy dòng tiền khi các kênh huy động vốn quan trọng trong thời gian qua như trái phiếu, cổ phiếu đều gặp khó khăn. Vì vậy, để dòng tiền thông suốt trở lại, doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ sẽ có các thông điệp mạnh mẽ hơn giúp thị trường phục hồi, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để doanh nghiệp phát hành có thể giảm bớt áp lực trong ngắn hạn.

Hà Thành (Thời báo ngân hàng)