Ngày 25/8/2023 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội thảo khoa học do Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức với chủ đề: “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro”.
Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chủ trì và với sự tham dự của các đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương; các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, Trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia; CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ và đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ cho Ban Lãnh đạo và các đơn vị NHNN. Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục...

Trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang quyết liệt triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều TCTD đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số, cho vay trên nền tảng công nghệ, việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, chính xác trên nền tảng công nghệ hiện đại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN, kiểm tra việc chấp hành các quy định về báo cáo TTTD của các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD báo cáo thông tin không đầy đủ, không chính xác. Đồng thời, yêu cầu các TCTD khai thác triệt để các sản phẩm dịch vụ TTTD phục vụ hoạt động kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN về cấp tín dụng, quản trị rủi ro. Do vậy, thời gian tới cần nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của NHNN trong chỉ đạo, điều hành và nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tại Hội thảo, ông Cao Văn Bình - Tổng Giám CIC đã giới thiệu tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng của CIC. Bài tham luận đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và hiện trạng cung cấp, sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Nội dung tham luận cũng khẳng định, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, nội dung tham luận đã chia sẻ nội dung chính của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN của NHNN, trong đó đã làm rõ những điểm mới, ưu việt so với Thông tư số 03; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật và lưu trữ dữ liệu; tiếp tục đối soát, làm sạch dữ liệu về khách hàng cá nhân; nỗ lực kết nối với tổ chức ngoài ngành Ngân hàng để mở rộng và nâng cao cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền - cán bộ quản lý chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tham luận về cơ sở hạ tầng dữ liệu hỗ trợ phát triển nền kinh tế số và tài chính số - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Bà Huyền đã đưa ra góc nhìn tổng quan về dữ liệu, phân tích dữ liệu; sự khác biệt giữa báo cáo tín dụng (thông tin tín dụng do CIC cung cấp) và các sản phẩm dịch vụ về dữ liệu, phân tích dữ liệu do bên thứ ba cung cấp; từ đó, đưa ra các kinh nghiệm quốc tế về việc xây dựng, phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ cho kinh tế số. Đáng chú ý, IFC đã đề xuất một số cách thức để phát triển ngành dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam; các khuyến nghị liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, thiết lập thị trường về dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng cho rằng, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo đã bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo; đồng thời, gợi mở một số vấn đề mới về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu. Qua đó, các diễn giả đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, cụ thể:
(i) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia;
(ii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro;
(iii) Nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu của CIC
(iv) Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lí, bảo mật cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng góp phần bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng nhằm phát triển bền vững hệ thống các TCTD Việt Nam;
(v) Phát triển hạ tầng dữ liệu và phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số và tài chính số tại Việt Nam.
Huỳnh Ngọc Hải - Phòng Tín dụng - Ủy thác và Nghiên cứu chiến lược