Vay tiền qua công nghệ

Xu thế mới của việc vay tiền là không cần đến trụ sở của ngân hàng hay công ty tài chính nữa mà sẽ là vay qua các ứng dụng công nghệ trên nền tảng di động hoặc máy tính.

Xu hướng của tương lai

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2015. Theo Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng trưởng thần tốc từ 50,2% năm 2016 lên 65% năm 2017 và thị phần vay tiêu dùng trong tổng thị trường tín dụng tăng từ 12,3% năm 2016 lên 18% năm 2017. “Miếng bánh” hấp dẫn này đã thu hút nhiều tổ chức tài chính cả trong và ngoài nước. Hàng loạt ngân hàng và doanh nghiệp mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng và nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam bằng cách thành lập công ty con hoặc “thâu tóm” các công ty hiện hữu.


Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng, trải nghiệm của khách hàng khi vay tiêu dùng vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Thực tế là phần lớn người tiêu dùng Việt đã bắt đầu am hiểu công nghệ (cuối năm 2017, 84% dân số nước ta sử dụng điện thoại thông minh), nhưng vay tiêu dùng chủ yếu vẫn áp dụng quy trình thủ công và tốn thời gian.

Quá trình xét duyệt vay thông thường mất đến 4-5 ngày qua nhiều bước: Thứ nhất, khách hàng làm đơn đề nghị vay trực tiếp qua nhân viên tín dụng hoặc qua internet. Thứ hai, sau khi được tư vấn, khách hàng nộp các chứng từ theo yêu cầu. Thứ ba, công ty tiến hành thẩm định hồ sơ và yêu cầu xác minh qua điện thoại và/hoặc thẩm định trực tiếp tại nhà khách hàng, bước này thường mất 1-3 ngày trước khi bên cho vay đưa ra quyết định. Thứ tư, sau đó khách hàng cần ký kết hợp đồng vay và cuối cùng sau khi hoàn tất các bước trên, tiền giải ngân mới được chuyển vào tài khoản của khách hàng hoặc khách hàng nhận tiền mặt tại các điểm chi hộ.

Tuy nhiên, để phù hợp với xu hướng, hiện nay nhiều công ty tài chính (CTTC) bắt đầu triển khai việc cho vay thông qua công nghệ, nhằm loại bỏ từng bước làm thủ công, đem lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Đơn cử, FE Credit triển khai thành công nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên “$NAP”. Nền tảng này được lập trình hoàn toàn tự động mang đến một quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người, giúp rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ đồng hồ. Trải nghiệm vay mới mẻ này đang nhanh chóng thu hút người tiêu dùng vì giảm thiểu được những bất cập của mô hình cho vay truyền thống.

Tương tự, Home Credit, HDSaison cũng đang có những bước đột phá trong việc cho vay thông qua thẻ tín dụng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới về cách vay.

Sự thích ứng của công nghệ

Trên thực tế, việc hợp tác với những tập đoàn Fintech hàng đầu thế giới đã cho phép các CTTC ứng dụng các công nghệ tân tiến vào nền tảng cho vay kỹ thuật số này, giúp mang đến trải nghiệm đột phá cho người dùng theo đúng sứ mệnh công ty đặt ra là cung cấp những dịch vụ tài chính “đã nhanh còn dễ”.

Các công nghệ tự động này đã được “nội địa hóa” và điều chỉnh tỉ mỉ để phù hợp với thị trường Việt Nam, không chỉ về ngôn ngữ mà còn kết hợp với các chức năng như Nhận diện khuôn mặt, Nhận diện kí tự quang học (OCR), Trợ lý ảo, Chuyển giọng nói sang văn bản, Chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu từ nhà mạng, Chữ ký điện tử... Việc áp dụng hàng loạt công nghệ khác nhau đòi hỏi doanh nghiệp phải có “tư duy thiết kế quy trình” vô cùng tinh vi ngay từ lúc khởi tạo.

Nói như ông Nguyễn Thiện Tâm - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến của FE Credit thì việc phát triển công nghệ mới trong quá trình cho vay của FE Credit nhằm mục đích tận dụng sức mạnh công nghệ để tiếp cận và mang lại cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ vượt trội khi giải quyết được những bất cập còn tồn đọng. Bởi về mặt khách quan, không thể phủ nhận rằng, thách thức lớn khi áp dụng nền tảng cho vay này ở Việt Nam chính là hầu hết những chứng từ bắt buộc trong hồ sơ vay như Chứng minh nhân dân, Hóa đơn tiền điện hay Bảng lương... đều được lưu giữ dưới dạng văn bản giấy mà không có một hệ thống dữ liệu tập trung nào để tra cứu. Thế nên, khi FE Credit triển khai $SNAP chính là mong muốn khắc phục nhược điểm này. Nói một cách khác, $NAP sử dụng công nghệ Nhận dạng ký tự quang học (OCR) và Nhận dạng chữ viết tay (ICR) để xác minh danh tính khách hàng và ghi nhận thông tin trên giấy tờ được người dùng chụp bằng chính điện thoại của họ.

Thừa nhận sự giúp ích của công nghệ trong cho vay, một lãnh đạo của Easy Credit nói rằng, việc áp dụng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt, sinh trắc học… luôn là hình thức được các tổ chức cho vay quốc tế sử dụng. Bởi nó không chỉ giúp gia tăng độ chính xác trong quá trình thẩm định và xác minh khách hàng tự động, mà những công nghệ mới này còn có thể giúp công ty truy vấn được dữ liệu tín dụng một cách chính xác và nhanh nhất trong quá trình thẩm định cũng như đưa ra quyết định cho vay. Do vậy, nếu có thêm sự hợp tác của khách hàng trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để vay thì tổ chức vay sẽ ghi nhận được rất nhiều lợi ích.

Có thể nói, đối với các CTTC đang hoạt động tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ mới trong việc cho vay chưa nhiều, vì đây vẫn là một phạm trù mới, cần có thời gian để đầu tư. Đồng thời, người dùng Việt cũng chưa từng sử dụng ứng dụng công nghệ tài chính thuần thục nên chuyện phát triển công nghệ ở mảng cho vay toàn bộ nền tảng này được thiết lập từ số 0. Thế nhưng các CTTC cũng đang có những kỳ vọng rất lớn để thay đổi tư duy vay tiền của người tiêu dùng cũng như kiên trì thiết lập những chuẩn mực mới trong cho vay.

Đơn cử, FE Credit đang cố gắng loại bỏ quy trình rườm rà và giấy tờ thủ công, hạn chế nguy cơ mất khách hàng tiềm năng vì lý do thủ tục bất tiện và tốn thời gian, đồng thời giảm đáng kể chi phí bỏ ra để có được một khách hàng mới. Cùng lúc đó công ty này cũng tiến hành hợp tác cùng một số tổ chức tín dụng mới nổi dưới dạng Đối tác Nhãn trắng (white label partner), cho phép các tổ chức này tiếp cận thị trường Việt Nam và mang đến nhiều sản phẩm tài chính hữu ích cho người tiêu dùng thông qua nền tảng cho vay công nghệ…

Hay như Home Credit, công ty này đang triển khai nền tảng số phục vụ khách hàng theo nhóm bằng cách quản lý tài khoản và thanh toán hàng hóa trên thiết bị di động. Động thái này đã mở ra cơ hội cho rất nhiều người được vay vốn một cách nhanh chóng qua cổng thanh toán trực tuyến. Với chiến lược này, Home Credit có thể tạo ra được một hệ sinh thái tài chính trên nền tảng công nghệ và thiết bị di động…

Tóm lại, sắp tới đây, việc cho vay qua công nghệ là điều tất yếu đối với các tổ chức cho vay tài chính. Vì vậy, người vay cũng nên tập làm quen và có những trải nghiệm dịch vụ cho vay tốt nhất, nhanh chóng và dễ dàng nhất thông qua công nghệ. Tiến tới một tương lai vay nợ mà không cần phải đến tận nơi và thực hiện những thủ tục vay nợ rườm rà. Khi đó, không chỉ được đánh giá là sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi, mà còn chủ động tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng cho thị trường…

Nguồn: Khả Lâm (Thời báo Ngân hàng)