Phát biểu khai mạc Hội nghị phát triển du lịch Miền trung và Tây nguyên của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” đã khai chính thức khai mạc vào lúc 8h ngày 16/2/2019 tại khách sạn Vinpearl, thành phố Huế. Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu khai mạc và báo cáo tình hình phát triển du lịch Miền Trung và Tây Nguyên của đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương;

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Ban, bộ ngành Trung ương và lãnh đạo 19 tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên;

- Kính thưa các ngài đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

- Kính thưa quý vị lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài;

- Kính thưa toàn thể quý vị đại biểu, quý vị khách quý!

Hôm nay, trong không khí của những ngày đầu Xuân, thay mặt Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung, chúng tôi rất vinh hạnh và vui mừng được đón tiếp đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, quý vị đại biểu và các vị khách quý về tham dự “Hội nghị phát triển du lịch Miền Trung và Tây Nguyên” tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019. Nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi, xin trân trọng gửi đến đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương Miền Trung và Tây Nguyên, quý vị đại biểu, các ngài đại sứ và đại diện cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, quý vị khách quý lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

Thưa quý vị đại biểu!

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, thành phố Miền Trung và Tây Nguyên chúng tôi hội tụ về thành phố Huế anh hùng, thành phố Festival Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch Miền Trung và Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực.    

Thưa quý vị đại biểu!

Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên khoảng gần 152 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào và Campuchia; Miền Trung và Tây Nguyên có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa - lịch sử,… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.

Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, Miền Trung và Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 05 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó: tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 09 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Thưa quý vị đại biểu!

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tổ chức lãnh thổ du lịch của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên được chia thành 03 vùng: Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch Miền Trung và Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực: đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… Bên cạnh đó, đã hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây kết nối các nước Myanmar, Lào, Thái Lan với các tỉnh miền Trung; các chương trình du lịch như: "Ba quốc gia - một điểm đến", chuỗi các sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch di sản, du lịch lịch sử của các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên…đã góp phần kết nối các điểm đến và phát huy lợi thế liên kết của các địa phương trong khu vực.

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỷ đồng. Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nhất là ở những địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng,...

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: nhìn chung du lịch Miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Trong đó nổi lên những tồn tại như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều; tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 18,75% cả nước) chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn thiếu (khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước); tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá… Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế so sánh của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, cũng như nâng cao tính cạnh tranh so với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.

Thưa quý vị đại biểu!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 ở Quảng Bình: "Nếu hạ tầng và phát triển ví như con gà và quả trứng thì ở một nơi có nhiều tiên cảnh như Quảng Bình phải gọi là con gà đẻ trứng vàng", có thể nói không chỉ ở Quảng Bình, khu vực Miền Trung và Tây Nguyên chúng ta nơi nào cũng nhiều "tiên cảnh" có sức hút đặc biệt. Những “tiên cảnh” này đang được đánh thức từ núi rừng đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ đến bờ biển cát vàng ngập nắng miền Trung.

Trong thời gian đến, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững… "Chúng ta không thể thống nhất suy nghĩ của mọi người, nhưng có thể thống nhất mọi người qua một mục tiêu chung" từ đó, tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch Điểm (từng địa phương) sang Vùng. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Miền Trung và Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian tới, chúng tôi kính đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành một số nội dung sau:

1. Xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch Miền Trung và Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam

1.1. Về phát triển hạ tầng du lịch

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông đối ngoại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, kết nối với hai đầu đất nước. Trước mắt cho phép:

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế: Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Plei Ku.

- Cho phép xây dựng chính sách xã hội hóa cụ thể cho khu vực nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch Vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 03 cảng du lịch biển Chân Mây, Nha Trang và Tiên Sa; xây dựng tuyến đường ven biển Miền Trung (trong đó ưu tiên tuyến từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Bình Định để nối tuyến ven biển 7 tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An); đầu tư nâng cấp các sân bay quốc tế tại Khu vực.

- Tiếp tục hoàn thiện tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng.

- Ưu tiên hỗ trợ bố trí vốn Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp để có những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc Việt Nam; liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp và các điểm đến, các vùng miền;

- Có cơ chế hỗ trợ đặc thù vốn trùng tu, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới (di sản vật thể).

1.2. Về phát triển sản phẩm du lịch

Cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút đầu tư phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 03 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: tại Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam Miền Trung với vùng du lịch Bắc Miền Trung), Cù Lào Chàm (gắn với Di sản VHTG Phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt); xây dựng 2-3 Tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí dành cho khách du lịch.

1.3. Về xúc tiến quảng bá du lịch

Cho phép thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch. Dự kiến thu (thí điểm) 01 USD/khách du lịch quốc tế lưu trú tại các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và Phan Thiết - Mũi Né/Đà Lạt - Lâm Đồng. Mục đích duy nhất của quỹ là sử dụng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

1.4.  Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch

- Khuyến khích các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay trực tiếp đi/đến Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh với các thị trường du lịch trọng điểm, đặc biệt là Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc.

- Cho phép lấy visa tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài; và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo,…

- Gia hạn thời gian đối với thị thực rời cho khách du lịch quốc tế đến vùng Duyên hải Miền Trung bằng đường biển và duy trì mức thu phí thị thực nhập cảnh là 5 USD/người, như mức cấp giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam được quy định tại Thông tư số 66/2009/TT-BTC ngày 30/3/2009 của Bộ Tài chính.

1.5. Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

Ưu tiên đầu tư từ ngân sách và hợp tác quốc tế trong đào tạo để xây dựng 03 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Huế, Đà Nẵng và Nha Trang trên cơ sở nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có và được áp dụng chính sách ưu đãi nhất để thu hút các chuyên gia, nhà giáo uy tín trong nước và quốc tế.

1.6. Về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Cho phép thực hiện cơ chế sử dụng ít nhất 10% nguồn thu ngân sách để lại từ du lịch để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các địa bàn trọng điểm du lịch; phát triển hệ thống Nhãn sinh thái cho các sản phẩm du lịch.

- Cho phép sử dụng tối đa 50% lệ phí tham quan di tích lịch sử văn hóa cho mục đích bảo tồn các giá trị văn hoá và tự nhiên, đa dạng sinh học đang được khai thác cho phát triển du lịch.

2. Về công tác quy hoạch

Kính đề nghị các Bộ cùng các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng phù hợp Luật quy hoạch năm 2017, nhằm xác định lại không gian của vùng, nhất là khu du lịch, hệ thống hạ tầng của Vùng, làm rõ theo chức năng, tránh chồng chéo, khắc phục dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực. Định hướng nội dung quy hoạch “xây dựng thành phố biển” trong Vùng, để có điều kiện thực hiện đầu tư PPP cho hệ thống tuyến đường ven biển Khu vực.

3. Cho phép ban hành Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung, trong đó xác định rõ nguyên tắc, nội dung, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng điều phối liên kết vùng duyên hải Miền Trung trên cơ sở (thí điểm) điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn, thành phần và chế độ làm việc của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung theo Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thưa quý vị đại biểu!

Thừa Thiên Huế là một Trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của Vùng duyên hải Miền Trung với 05 di sản văn hóa thế giới; gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa được công nhận khác; Vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (WorldBays) bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới; Huế là thành phố Festival, thành phố Văn hóa của ASEAN... Trong những năm qua, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan trong thu hút khách du lịch, trong xây dựng và khai thác sản phẩm, trong liên kết xúc tiến - quảng bá và đặc biệt là trong kêu gọi đầu tư... Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên nỗ lực hết mình trong liên kết phát triển du lịch, đưa các điểm đến trong khu vực trở thành những điểm đến có thương hiệu ở Châu Á.

Chính quyền và nhân dân các tỉnh và thành phố khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo các tỉnh/thành trong khu vực luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón và phục vụ các bạn. Hãy đến và đầu tư vào Miền Trung và Tây Nguyên!

Ngày đầu xuân, các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên đã hội tụ về đây với khát vọng vì Miền Trung và Tây Nguyên giàu đẹp để chắp cánh cùng khát vọng Việt Nam hùng cường của Thủ tướng Chính phủ, người con thân thương của Miền Trung - mảnh đất cần cù, trí tuệ, anh dũng kiên cường.

Nàng công chúa Miền Trung với bờ biển cát vàng rực nắng đang thức giấc cùng chàng hoàng tử đại ngàn Tây Nguyên cùng nắm tay nhau đón chờ những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để mở đường Thiên Lý cho Miền Trung và Tây Nguyên khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để có thể vươn xa, vươn cao sánh vai cùng cả nước trên bước đường hội nhập và phát triển.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 19 tỉnh/thành phố Miền Trung và Tây Nguyên đã ủng hộ, tích cực tham gia, hỗ trợ Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị.

Kính chúc các đồng chí, quý vị đại biểu và quý vị khách quý luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an.

Xin Chúc Hội nghị phát triển du lịch Miền Trung và Tây Nguyên thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn./.

Nguồn: thuathienhue.gov.vn