Phê duyệt Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 370/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (Giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn 1) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh Thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Từ năm 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).

Đề án đã đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời. Trong đó nêu rõ về chính sách hỗ trợ: Khi đến khu tái định cư tạo điều kiện cho các lao động đủ điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp cụm làng nghề tại phường An Hòa (tiếp giáp phường Hương Sơ) thành phố Huế. Khi các hộ gia đình tới nơi tái định cư mới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có những chính sách xã hội để cho các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống mà các hộ gia đình hiện đang làm và các ngành nghề thủ công truyền thống địa phương có thế mạnh. Đối với các hộ gia đình, cá nhân không có việc làm, ưu tiên phát triển các hình thức khai thác giá trị di sản văn hóa; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được điều kiện (năng lực, chuyên môn,…) sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở, đất ở sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của khung chính sách giải tỏa khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế. Đồng thời, được hỗ trợ bằng tiền về ổn định đời sống, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm để tự chuyển đổi ngành nghề phát huy thế mạnh của địa phương, ổn định đời sống. Nếu có nhu cầu, sau khi trùng tu của khu vực 1 di tích hệ thống kinh thành Huế thuộc các khu vực Thượng thành, Eo bầu, một số khu vực sẽ giao lại cho các hộ gia đình được trồng hoa (không thu tiền thuê đất cũng như các loại lệ phí) để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống, góp phần tạo cảnh quan môi trường “ Huế có bốn mùa hoa”. Đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh khi có đất bị thu hồi bởi dự án ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, căn cứ theo ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ được sắp xếp vào khu cụm công nghiệp làng nghề An Hòa. Giá thu tiền cho thuê theo quy định. Hỗ trợ cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khi có đủ điều kiện theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường.

Đề án cũng đưa ra phương án phát huy giá trị di tích sau khi di dời dân cư đó là, sau khi di dời dân cư triển khai công tác bảo tồn, trùng tu, phục hồi và tôn tạo các yếu tố gốc của công trình di tích trên cơ sở các hồ sơ, tư liệu lịch sử. Để nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di tích, thực hiện các giải pháp khai thác với sự tham gia của cộng đồng và nguồn lực xã hội hóa.

Nguồn:www.thuathienhue.gov.vn