Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về mức độ lạc quan

Theo số liệu thống kê mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board® Global Consumer Confidence™ với sự hợp tác của Nielsen, trong quý IV/2018 Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước lạc quan nhất trên thế giới, với chỉ số niềm tin người tiêu dùng (Consumer Confidence Index - CCI) đạt 122 điểm, sau Ấn Độ, Philippines và Indonesia (có điểm số lần lượt là 133, 131 và 127).

So với quý III năm 2018, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam giảm 7 điểm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, sự giảm điểm này là điều nằm trong dự kiến. “Trước thềm năm mới 2019 người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra lo lắng về tiền thưởng cuối năm cũng như các khoản chi tiêu ngày Tết… dẫn đến việc giảm điểm CCI như đã thấy”. Mặc dù vậy, với xu hướng tăng đều trong cả năm, điểm CCI của Việt Nam cuối năm 2018 vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới (lần lượt là 117 và 107 điểm).

Mối quan tâm hàng đầu là công việc và sức khỏe

Trong quý IV/2018, người tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục nhận định sự ổn định trong công việc (43%, tăng 3% so với quý III/2018) và sức khỏe (43%, tăng 3% so với quý I/2018) là hai mối quan tâm hàng đầu; trong khi đó 27% số người được khảo sát cho biết vấn đề cân bằng cuộc sống (tăng 1% so với quý III/2018) là điều đáng quan tâm thứ ba.

Trong quý này, sự ổn định của nền kinh tế quốc gia đã giảm một bậc trong danh sách những mối quan ngại chính của người tiêu dùng, với chỉ 20% người được hỏi cảm thấy lo lắng về vấn đề này (so với 27% trong quý III/2018). Kết quả này khá tương đồng với sự gia tăng mức độ lạc quan của người tiêu dùng về tình trạng kinh tế Việt Nam: Chỉ có 36% người cho rằng kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng suy thoái so với 41% trong quý III.

Tuy nhiên, người tiêu dùng lại kém lạc quan hơn về cơ hội việc làm và tình hình tài chính cá nhân của họ. Khoảng ba phần tư số người được khảo sát cho rằng họ sẽ có cơ hội việc làm tốt hoặc xuất sắc (75%, giảm 5% so với quý III) hoặc sẽ có tình hình tài chính cá nhân tốt hoặc xuất sắc trong 12 tháng tới (76%, giảm 6% so với quý III).

Các mối quan tâm khác của người Việt được phản ánh trong báo cáo là phúc lợi hoặc sức khỏe của phụ thân (19%) cũng như giáo dục hoặc phúc lợi của con cái (8%).

“Việc tỷ lệ lạm phát được quản lý tốt trong năm (3,4% trong quý IV/2018) đã giúp cho chi phí sinh hoạt được kiểm soát ở mức ổn định hơn. Bên cạnh đó, có thể thấy giá cả thực phẩm hoặc hóa đơn điện nước không còn là các vấn đề người tiêu dùng lo ngại trong quý này. Nhờ vậy, họ có thể chuyển hướng quan tâm sang những vấn đề quan trọng hơn như giáo dục và tương lai của con cái”, bà Quỳnh đã giải thích thêm.

Tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý IV/2018 về xu hướng tiết kiệm (78%, tăng 6% so với quý III/2018 và là mức con số cao nhất kể từ quý III/2016), tiếp theo là người tiêu dùng Hồng Kông (71%), Ấn Độ (68%) và Thái Lan (67%).

Đáng chú ý là, ngay cả với sự gia tăng đáng kể nói trên trong ý định tiết kiệm, người Việt vẫn sẵn sàng chi cùng mức hoặc hơn cho các mặt hàng có giá trị lớn như quần áo mới, các kỳ nghỉ/du lịch hoặc các hoạt động giải trí bên ngoài. Bù lại, trong quý IV này họ ít có ý định chi tiêu hơn cho các sản phẩm công nghệ mới (43%, giảm 4% so với quý III), nâng cấp/trang trí nhà cửa (39%, giảm 9%) và các gói bảo hiểm y tế (36%, giảm 5%).

“Tiết kiệm là văn hóa của người Việt Nam. Cộng với những lo lắng đề cập ở trên cho năm mới, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng có ý định tiết kiệm nhiều hơn nữa vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, chúng ta không nên vội đi đến kết luận rằng ý định giảm chi tiêu đối với một số mặt hàng sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai. Khi nhìn vào xu hướng dài hạn, người Việt ngày càng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm công nghệ và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng để không bỏ lỡ các cơ hội cho mình”, bà Quỳnh nhận định.

Nguồn: Ngọc Mai (Thời báo ngân hàng)