Hướng tới cả xã hội không tiền mặt

Hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, mặc dù những năm gần đây xu hướng mở rộng thanh toán điện tử đã phát triển mạnh ở nhiều quốc gia nhưng tỷ lệ người dân dùng tiền mặt để thanh toán vẫn còn khá lớn. Theo báo cáo World Cash Report 2018 của tổ chức G4S trên phạm vi toàn cầu, tính đến 2016 tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP đã tăng lên mức trên 9,6% từ mức 8,1% của năm 2011. Điều này cho thấy tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ bên ngoài xã hội ở đa số các nước. Chính vì vậy, việc xây dựng một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến trong tương lai của nhiều quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.

Đối với Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, đến nay hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng ở mức 25% so với năm 2017. Hiện giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 169,5%. Tổ chức PcW trong một khảo sát tiến hành năm 2018 ở 27 quốc gia đã xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có thị trường thanh toán di động tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 24% (từ 37% năm 2017 lên 61% năm 2018).

“Đến thời điểm hiện nay hạ tầng công nghệ thanh toán của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã khá sẵn sàng cho các hoạt động kết nối thanh toán trực tuyến áp dụng các công nghệ hiện đại”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các đơn vị trung gian thanh toán, các NHTM và các DN thương mại điện tử đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng thực hiện các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hiện ngân hàng này đã đủ đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc… Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng trăm loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking…

Trong khi đó, ở phía các DN thương mại và cơ quan thuế, hải quan nhu cầu và độ sẵn sàng kết nối các hoạt động thanh toán trực tuyến cũng đã khá mạch lạc. Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM thông tin, hiện nay 91% DN trên địa bàn đã tiến hành kết nối với hệ thống nộp thuế tự động thông qua các hình thức thanh toán thu hộ ngân sách. Nhờ đó, hàng hóa được thông quan nhanh, tiết kiệm chi phí khá lớn cho các DN và các tổ chức kinh tế.

Trong khi về phía DN cũng tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Anh Đức - Quyền Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho hay, hiện nay mặc dù tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt ở các siêu thị tiện lợi vẫn còn khá thấp nhưng hầu hết các chuỗi siêu thị của Saigon Co.op và các DN khác đều đã cập nhật các phần mềm, ứng dụng chấp nhận thanh toán như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Các hình thức thanh toán này tỏ ra nhanh chóng, tiện lợi và hấp dẫn người tiêu dùng trẻ. Vì thế số lượng và giá trị thanh toán trực tuyến cũng đang có sự gia tăng nhanh chóng.

Tận dụng triệt để CMCN 4.0

Về định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin, ngay trong năm nay, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai mạnh Đề án Phát triển thanh toán kinh doanh thương mại giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Hiện Vụ Thanh toán cũng đã tham mưu NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ giá trị nhỏ, đồng thời nghiên cứu thực hiện dịch vụ cho phép người dùng nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng.

Để ứng dụng triệt để các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh  đặt ra 4 định hướng để phát triển mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt:

Thứ nhất, về phía các quy định pháp lý, NHNN sẽ xây dựng, sửa đổi các văn bản luật theo hướng đáp ứng yêu cầu của các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, tập trung vào ngân hàng số và thanh toán số.

Thứ hai, về hạ tầng công nghệ, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống TCTD xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực vận hành liên tục 24/7 nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán mọi lúc mọi nơi của người dân. Trong đó đặc biệt tập trung vào các công nghệ kết nối, tích hợp xử lý thanh toán để đảm bảo thực hiện được toàn bộ giao dịch thanh toán của các đơn vị cung ứng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ.

Thứ ba, về thúc đẩy hợp tác, sáng tạo, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống TCTD tăng cường các hợp tác trong nghiệp vụ thanh toán, gia tăng các đầu mối phối hợp giữa ngân hàng với các DN công nghệ tài chính (fintech) để tạo sự phát triển năng động, bứt phá, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của khách hàng.

Thứ tư, về an ninh, an toàn thanh toán, NHNN cũng sẽ tập trung chỉ đạo hệ thống TCTD áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến, chỉ đạo các vụ, cục chức năng tăng cường hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, đồng thời bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong mọi giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Thanh toán không dùng tiền mặt phòng chống tham nhũng

Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, DN. Nếu bây giờ người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện. Thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. Thanh toán không dùng tiền mặt nhưng xã hội lại có nhiều thứ, DN, công sở, đơn vị công giảm vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động ngân hàng tăng lên.

Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nên từ những năm qua đã có triển khai các đề án ứng dụng công nghệ thông tin cấp độ 4 (người dân chỉ ngồi ở nhà làm các thủ tục đăng ký và giao dịch thanh toán các loại phí, lệ phí với các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương)./.

Nguồn: Hồng Cường (thoibaonganhang.vn)