Cam kết của “Thành phố Xanh”

Hơn 320 thành phố của các quốc gia là thành viên của Chương trình thành phố Xanh đã xây dựng kế hoạch về tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả nhằm chống BĐKH trong những thập kỷ tới.

Cùng chung sứ mệnh với các thành phố thành viên tham gia Chương trình thành phố Xanh của WWF, từ năm 2016 đến nay, TP. Huế đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết về giảm mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như những kế hoạch hành động cụ thể về xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước thải và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường thông qua thực hiện quy hoạch, chương trình, phong trào, hoạt động rất thiết thực như phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", thành phố 4 mùa hoa, đô thị thông minh, quy hoạch đô thị, hệ thống cây xanh đường phố, chống chất thải nhựa...

Cùng với những nỗ lực của chính quyền, cộng đồng Nhân dân trong việc giảm tác động đến môi trường, trong khuôn khổ dự án "Thí điểm NAMA-hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng hiệu quả ở TP. Huế (giảm nhẹ BĐKH)" do Quỹ năng lượng và khí hậu Luxembourg- Bộ Phát triển bền vững và hạ tầng Luxembourg tài trợ, TP. Huế được tài trợ thực hiện 2 tiểu dự án: thay thế bóng đèn tại các trường tiểu học, THCS, THPT và tại các tuyến đường phố với tổng kinh phí khoảng 25,37 tỷ đồng.

Tiểu dự án thay thế bóng đèn cũ bằng đèn led sẽ được thực hiện tại 29 trường tiểu học, 22 trường THCS và 3 trường THPT ở TP. Huế. Theo đó, sẽ có 19.811 bộ bóng đèn led các loại được thay mới và có hơn 45.520 giáo viên và học sinh được hưởng lợi.

Đối với tiểu dự án thay thế bóng đèn led trên các tuyến đường sẽ được triển khai tại 19 tuyến đường khu vực Bắc sông Hương và 2 tuyến khu vực Nam sông Hương với khoảng 1.044 bộ đèn led được lắp đặt mới.

Việc thay thế bóng đèn led tại hệ thống trường học và các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế góp phần thực hiện chương trình tăng trưởng xanh cấp quốc gia và các địa phương, giảm thiểu BĐKH, sử dụng hiệu quả năng lượng tại TP. Huế. Hai tiểu dự án này sẽ là thí điểm về hệ thống chiếu sáng năng lượng hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng, chi phí tiêu thụ điện năng cho ngân sách của địa phương.

Gần 40% dân số của toàn tỉnh đang sống ở TP. Huế cùng với tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh và sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, tình trạng lệ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch, mức độ tiêu tốn năng lượng của các cơ sở hạ tầng và lối sống thành thị theo đó ngày càng tăng cao.

Vì thế, ngoài những biện pháp nhằm cắt giảm những tác động đến môi trường của chính quyền địa phương, thì quyết định sự thành công trong việc xây dựng thành phố Xanh, thân thiện với môi trường còn cần sự tham gia đóng góp của từng cộng đồng cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, tuân thủ các giải pháp giao thông bền vững, các tiêu chuẩn trong xây dựng...

Nguồn: Minh Liên (baothuathienhue.vn)