Cần định danh cho nền kinh tế tuần hoàn

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế tuần hoàn được đề ra từ lâu, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… chưa đạt được hiệu quả là do không gọi nó là nền kinh tế tuần hoàn.

Đơn cử, cùng là chai nhựa đựng nước sản xuất từ nhựa tái chế, tại Phần Lan gọi là chai nhựa sinh thái, người dân sẵn sàng trả giá cao để mua không phải vì giá trị sử dụng ưu việt hơn mà vì ý thức bảo vệ môi trường, ủng hộ cho những sản phẩm sinh thái. Nhưng ở Việt Nam nếu biết đó là sản phẩm từ nhựa tái chế chắc chỉ có ít người dám uống. Hay tại Đức có sản phẩm cốc uống cà phê được làm từ bã cà phê tái chế và bán với giá 20 - 30 euro; nếu ở Việt Nam sản phẩm này sẽ được gọi là “cốc tái chế từ bã cà phê” và chắc có đến hơn 90% không dám sử dụng.

Điều đó chứng tỏ công tác truyền thông chưa đầy đủ tới người tiêu dùng, khiến các sản phẩm này kém được ưu tiên. Vì vậy kinh tế tuần hoàn vẫn chưa phát triển ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Thậm chí, trong Luật Bảo vệ môi trường còn đóng khung “sản phẩm tái chế” nên các văn bản đằng sau đó cũng ghi “sản phẩm tái chế”. Hậu quả là nếu doanh nghiệp có sản xuất ra sản phẩm tái chế không dám thừa nhận trong sản phẩm của mình, nhiều khi lờ đi cụm từ này.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cần xem xét báo cáo tham vấn với Chính phủ, Quốc hội thay đổi tư duy về kinh tế tuần hoàn ngay từ văn bản luật để những sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn có cơ hội phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân, thị trường, ủng hộ các giải pháp phát triển bền vững, ông Huy nêu quan điểm.

Theo Bộ TN&MT, các nước đã có chính sách pháp lý cho nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng đã có nền kinh tế tuần hoàn trong nhiều ngành song chưa có sự phát triển về khái niệm, quan điểm, cần hoàn thiện và có lộ trình cụ thể. Trong đó doanh nghiệp là động lực trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, đề ra chính sách khuyến khích, cộng đồng doanh nghiệp là người chủ động tham gia.

Thực tế hiện nay, Việt Nam mới dừng lại ở cấp chính sách mà chưa cụ thể hóa các chính sách, khuyến khích ứng dụng vào cuộc sống để doanh nghiệp nhận biết được lợi ích đó. Đây được cho là điểm nghẽn khiến nền kinh tế tuần hoàn chưa đi vào cuộc sống. Thậm chí, với những doanh nghiệp tiên phong, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho những mô hình tiên phong, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đề xuất.  

Ông Ernesto Hartikainen, chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Quỹ Phát triển đổi mới sáng tạo của Nghị viện Phần Lan (SITRA) thừa nhận rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho nền kinh tế tuần hoàn phát triển, đó là nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, các phụ phẩm từ nông nghiệp. Nhưng ở khía cạnh khác, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào quá trình sản xuất – kinh doanh. Bởi thị trường cho các sản phẩm tái chế khó cạnh tranh với nguyên liệu gốc ban đầu, nên rất cần chuyển từ bán hàng hóa sang dịch vụ, ở đó người tiêu dùng tham gia với vai trò là người mua các dịch vụ.

Để hoàn thiện quy trình này, cần phải thay đổi tư duy không chỉ với người dân mà còn cả với doanh nghiệp. Đồng thời với đó là giảm dần nền kinh tế tuyến tính bên cạnh tăng cường nền kinh tế tuần hoàn. Điều này cần quyết tâm cao từ Chính phủ và khu vực công, ông Ernesto Hartikainen khuyến nghị./.

Nguồn: Thành Trung (baochinhphu.vn)