Phải luôn đồng hành cùng nông dân để giúp nông dân phát triển kinh tế

Gỡ khó cho nông dân

Phát biểu đặt vấn đề tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát  triển bền vững. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khai thác triệt để, nhiều chính sách hỗ trợ đã có nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn chưa hiệu quả, chính sách chưa đi vào đời sống của bà con nông dân. Việc sản xuất vẫn còn nhiều manh mún, quy mô, năng suất chất lượng sản phẩm thấp, thị trường thu mua vẫn còn bấp bênh, phụ thuộc... đòi hỏi cần thay đổi cách thức và đẩy mạnh các giải pháp xây dựng chuỗi giá trị bền vững. “lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở làm sao có những giải pháp thiết thực và hiệu quả để có thể giúp cho các cơ sở sản xuất, hộ nông dân tháo gỡ khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương Thừa Thiên Huế”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với các hộ nông dân

Sau phần đặt vấn đề của Chủ tịch UBND, Phó giám đốc sở Khoa học và Công nghệ - Hồ Thắng đã trình bày các giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, đưa ra các mô hình liên kết phát triển chuỗi, công bố danh mục sản phẩm chủ lực và khung giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân. Ông Hồ Thắng cho biết, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020 và giải pháp phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020 với 16 sản phẩm. Các địa phương tích cực lồng ghép nhiều chương trình chính sách hỗ trợ như: khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP…. mang lại hiểu quả thiết thực.

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường như: thiếu nguồn giống chất lượng trong phát triển nông nghiệp từ giống lúa, lợn, gà đến các loại sản phẩm đặc sản có nguy cơ biến mất như quýt Hương Cần, gạo De…. Các hộ dân dù đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, VietGAP nhưng đầu ra vẫn khá mờ mịt. Mặc dù tỉnh có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng để tiếp cận không phải là dễ dàng.

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Sau khi nghe những kiến nghị, đề xuất từ phía người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để ngành nông nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng) chứ không chỉ 1 mình doanh nghiệp và nông dân hay sở ngành như hiện nay. Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình; phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới thực sự phát triển bền vững; các mặt hàng nông sản mang thương hiệu sẽ có cơ hội tham gia, hội nhập với thị trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lắng nghe những kiến nghị của các hộ nông dân


Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, tuy nhiên vẫn có nhiều định hướng cần điều chỉnh, nhất là định hướng phát triển cây ăn quả cần được chú trọng hơn. Các sở ngành liên quan cần nghiên cứu xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở đó quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, xây dựng quỹ đất trong kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp tạo động lực trong sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó, các sở ngành, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết phối hợp với nhau trong hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết. Người nông dân cũng cần tự định hình sản phẩm của mình theo hướng chất lượng, cải tiến mẫu mã, trên cơ sở đó thành lập các HTX, tổ hợp tác làm “đầu tàu” liên kết với các doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp đi xa. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong phục hồi lại những giống cây trồng đặc sản địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành liên quan căn cứ vào đề án để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cụ thể, hướng tới sản phẩm cụ thể. Làm sao phát huy được thế mạnh của từng vùng miền, từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng, chú trọng 10 sản phẩm chủ lực của địa phương đã quy hoạch. Cần tập trung cho sản phẩm chủ lực về cả giống, quy trình khai thác, thu hoạch, chế biến, thương hiệu, thị trường để tạo thành chuỗi giá trị. Phải tìm mọi cách để tránh xảy ra tình trạng "được mùa, mất giá", tạo thu nhập ổn định cho người dân, hướng đến một nền nông nghiệp được phát triển bền vững./.

Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn