Thừa Thiên Huế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu trong 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Có 12/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, nhờ vào sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, năm 2019 có 12/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (2/14 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu). Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 7,18% (chưa đạt kế hoạch đề ra 7,5-8%); giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 31.330 tỷ đồng.

Trong đó, khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 7,39%, đóng góp lớn nhất là khu vực dịch vụ du lịch khoảng 30-40% tổng giá trị tăng thêm của ngành; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, đạt khoảng 11,32%, nhờ đóng góp của các dự án mới và mở rộng công suất của một số nhà máy; khu vực nông, lâm nghiệp tăng trưởng âm ước đạt -4,13% (thủy sản ước tăng 4%; ngành lâm nghiệp tăng khoảng 3%, nông nghiệp giảm 10%, trong đó chăn nuôi giảm 42%). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.787 tỷ đồng, vượt 8% dự toán, bằng cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 7.300 tỷ đồng, bằng 110,1% dự toán giao, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Huế ước đạt 4.800 nghìn lượt, bằng 102,1% kế hoạch, tăng 10,8%. Trong đó, khách quốc tế 2.220 nghìn lượt, tăng 12,7%; khách lưu trú ước đạt 2.250 nghìn lượt, tăng 6,6%; doanh thu ngành dịch vụ du lịch ước đạt 4.900 tỷ đồng, đạt kế hoạch, tăng 9,6%, doanh thu xã hội từ du lịch ước hơn 12.000 tỷ đồng… Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô lớn. Các đề án Thành phố 4 mùa hoa”; Chủ nhật xanh, nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng kế hoạch đề ra; một số dự án lớn đã được cấp đăng ký đầu tư nhưng tiến độ triển khai, đưa vào hoạt động còn chậm so với kế hoạch; hạ tầng kết nối các điểm tham quan và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ…Một khó khăn nội tại là cơ cấu nội bộ ngành kinh tế dịch vụ chuyển biến chậm, các phân ngành dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, tài chính, viễn thông, CNTT,... phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả triển khai chưa đạt như kỳ vọng như thiếu các dự án sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, trở thành hàng hóa, chế biến sâu; mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, y tế, giáo dục còn khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách. Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là các tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp...

Xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh 5 năm (2016 - 2020),với quyết tâm nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm 2020, UBND Tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm tiếp tục đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ưu tiên phát triển ngành du lịch, dịch vụ trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; tập trung phát triển hạ tầng đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

Đồng thời, rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, công trình, dự án trọng điểm của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) để bố trí nguồn lực, đôn đốc triển khai, nhất là đối với 4 chương trình trọng điểm (Chương trình phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh Thành Huế; Chương trình cải cách hành chính gắn liền với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ).

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh cùng với các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy kinh tế phát triển, trong năm 2020, UBND tỉnh sẽ tập trung hoàn thành lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng 2050 gắn với thực hiện đề án phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Đặc biệt là, gấp rút triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản và cơ chế chính sách đặc thù về thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Một số chỉ tiêu kinh tế -xã hội chủ yếu năm 2020:

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8%;

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15% trở lên;

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 27.000 tỷ đồng;

Thu ngân sách trên 8.565 tỷ đồng (tăng từ 10% trở lên so với thực hiện năm 2019);

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%;

Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 66%; tạo việc làm mới 16.000 người.

Nguồn: thuathienhue.gov.vn