Phát triển mobile money sẽ giúp khởi tạo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực số

Theo số liệu mới đây, hiện đã có 92 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ thanh toán điện tử không qua tài khoản ngân hàng (mobile money) với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình đạt 1 tỷ USD/ngày.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dù đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, “nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Ở Việt Nam, tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay, và dù vậy, “99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt” người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mobile money sẽ là giải pháp để người dân nghèo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc phát triển mobile money sẽ tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số, các công ty khởi nghiệp công nghệ. Không chỉ kích thích các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số mà mobile money còn thúc đẩy tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đây sẽ là phương thức thanh toán phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ này mang lại thì vẫn tồn tại những yếu tố bất lợi và rủi ro đi kèm. Nhưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chúng ta phải dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới. Bởi, khi triển khai mobile money thì thông qua các giao dịch nhỏ người dân sẽ được đào tạo để trở thành khách hàng của ngân hàng.

Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số. Đây là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bên cạnh việc đầu tư trước các yếu tố nền tảng như hạ tầng số, an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực số thì một số ngành sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước, trong đó có ngành Ngân hàng. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Ngân hàng là ngành chịu tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0. Đây là ngành mang tính toàn cầu cao, có nền tảng thúc đẩy kinh tế số nhưng lại là ngành có tiềm lực tài chính, nhân lực, công nghệ tốt để đi đầu.

Vì vậy, tại Hội nghị, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn ngành Ngân hàng nhận sứ mệnh đi đầu trong chuyển đổi số để góp phần đưa Việt Nam thành một quốc gia số. Đồng thời, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Đề án chuyển đổi số quốc gia, ngành Ngân hàng sẽ có chương trình chuyển đổi số của riêng mình vào năm 2020./.

Nguồn: Võ Giang (thoibaonganhang.vn)