Cải cách hành chính: Vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong tiến trình cải cách ngân hàng

Cải cách hành chính (CCHC) không đơn thuần là một lĩnh vực cụ thể, tách rời mà là “xương sống” và là “tinh thần” của hoạt động quản lý, điều hành và nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Công tác CCHC của NHNN được triển khai linh hoạt, thường xuyên bổ sung các định hướng, mục tiêu cụ thể vào kế hoạch hàng năm

Từ quan điểm này, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 30c/NQ-CP, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo trong mọi nhiệm vụ phải có sự cải cách mạnh mẽ cả về phương thức chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện. Tinh thần và định hướng chỉ đạo đó nhằm hội tụ sức mạnh, tạo ra sự thúc đẩy chung, góp phần liên thông, liên kết trong vận hành các hoạt động NHNN nói riêng và toàn ngành Ngân hàng nói chung.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú - thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHTW trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Sáu năm liên tiếp trong top 3, trong đó 4 năm liên tiếp (2016-2019) đứng đầu Bảng chỉ số CCHC các bộ, ngành, trung ương (Par-Index), Chỉ số tiếp cận tín dụng vươn lên vị trí 26 trên thế giới, đứng thứ 2 trong ASEAN theo xếp hạng của WB năm 2019. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những yếu tố thúc đẩy CCHC của NHNN trong 10 năm qua?

Quan điểm coi CCHC là yếu tố nội tại gắn chặt và không tách rời với các hoạt động quản lý nhà nước, mục tiêu và phương thức chỉ đạo của Thống đốc NHNN đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 của NHNN. Yêu cầu cải cách của Thống đốc cũng không chỉ đặt ra với NHNN mà với tất cả các TCTD để làm tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ thanh toán, tín dụng phục vụ người dân và DN. 

Đặt trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế với những bước chuyển nhanh và mạnh mẽ, công tác CCHC của NHNN được triển khai linh hoạt, thường xuyên bổ sung các định hướng, mục tiêu cụ thể vào kế hoạch hàng năm là giải pháp trực tiếp góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó trong từng thời kỳ. Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương, NHNN đã có tầm nhìn chiến lược khi xây dựng và triển khai chương trình cải cách, tái cơ cấu ngân hàng cả 2 giai đoạn 2011 – 2015 và 2015 – 2020. Thực tế đến nay, những kết quả tái cơ cấu khẳng định mạnh mẽ sự thành công đối với nhiệm vụ quản lý để xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và được duy trì, vững chắc, tạo đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao, liên tục.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, NHNN đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và là cơ quan đầu tiên công bố bộ TTHC hoàn chỉnh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đồng thời, cũng sớm hoàn thành yêu cầu thực thi các phương án cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh để DN, người dân được hưởng lợi ngay các thành quả cải cách. Theo các số liệu tổng hợp, từ năm 2010, đến nay đã có hơn 80% TTHC trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa. 

Vị thế của một ngành kinh tế trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế với sự hội nhập quốc tế từ rất sớm và sâu rộng, lãnh đạo NHNN đã mạnh mẽ quyết đoán các chương trình CCHC, đi tắt đón đầu những xu hướng phát triển, lựa chọn những cải cách mới nhất của hoạt động tài chính ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm với đích đến cao hơn. 

CCHC của Ngành có thêm bước chuyển đáng kể với việc NHNN tập trung vào hiện đại hóa ngân hàng, coi việc phát triển công nghệ thông tin là trụ cột hiện thực hóa các kế hoạch và chiến lược đề ra. Đặc biệt, Dự án thanh toán điện tử liên ngân hàng, dự án FSMIMS triển khai thành công đã đưa hạ tầng công nghệ ngành Ngân hàng Việt Nam hiện đại hóa ngang tầm với các nước trong khu vực. Công nghệ số giờ đã hiện hữu tại nhiều TCTD lớn với nhiều sản phẩm đẳng cấp quốc tế được triển khai và áp dụng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.

Sự đột phá từ quan điểm, tư duy đến hành động CCHC đã đưa đến những kết quả đáng mừng của ngành Ngân hàng như khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, cung ứng vốn và dịch vụ tiền tệ, thanh toán hiện đại ngày một nhiều cho nền kinh tế, người dân và DN, góp phần mở rộng đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế, kích thích tiềm năng phát triển của từng thành phần kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. 


Các TCTD tích cực đơn giản thủ tục tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân


CCHC sẽ dẫn đến giảm thu nhập của TCTD, từ việc giảm chi phí, lãi suất, phải chia sẻ lợi ích của mình với người dân và DN, trong khi ngân hàng cũng là một DN, yếu tố lợi nhuận luôn được đặt lên đầu. Vậy NHNN đã làm gì để các TCTD đồng lòng trong thời gian qua?

Đúng là TCTD cũng là DN nhưng vì là DN dịch vụ, phục vụ, nên những năm qua, NHNN đã đặt ra yêu cầu CCHC đối với các NHTM để hỗ trợ người dân và DN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Và để các TCTD vừa phải chấp hành, vừa tự chủ động cải cách đổi mới, NHNN đã đưa ra các cơ chế, chính sách với các quy định mang tính chất chỉ đạo định hướng để họ tuân thủ.

Mặt khác, có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích các TCTD cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ (thái độ phục vụ và tính ưu việt của sản phẩm), giá cả tín dụng (hạ lãi suất, giảm phí) thu hút khách hàng. Điều quan trọng là tạo ra cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, thúc đẩy ra đời các sản phẩm tích cực hơn, tạo ra cơ hội lựa chọn nhiều hơn cho người dân và DN, đồng thời vẫn phải đảm bảo trong khuôn khổ an toàn hoạt động và phòng ngừa rủi ro.

Tính minh bạch và công khai trong hoạt động tiền tệ tín dụng và thanh toán cũng là một bước tiến dài trong quá trình CCHC. Điều này đã làm giảm đi rất nhiều chi phí về tài chính và thời gian cho khách hàng, tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, tạo niềm tin cho người dân và DN. Kết quả hoạt động tích cực trong mấy năm qua nhất là trong năm 2019 của các TCTD trên tất cả các mặt cho thấy, CCHC thực sự là động lực, là mục tiêu và cũng là giải pháp quan trọng cho những kết quả. Chính điều này đã giúp TCTD nhận thức rõ hơn ý nghĩa của CCHC. Qua đây cũng có thể nói rằng, CCHC đã và đang trở thành gương soi để các đơn vị, TCTD tự mình thay đổi, phấn đấu để tồn tại, ổn định và phát triển. Vì thế các TCTD có sự đồng thuận và chủ động hơn trong CCHC của mình. 

Là thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, và là Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHTW, ông có thể chia sẻ cảm nhận của riêng mình về thành quả CCHC của Ngành 10 năm qua? 

CCHC là nhiệm vụ được đặt ra từ thời kỳ đổi mới kinh tế đất nước, nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây thực sự quyết liệt sau khi có Nghị quyết 30c. Và nhìn lại bối cảnh nền hành chính ngành Ngân hàng từ xuất phát điểm và những thành tựu sau giai đoạn quyết liệt này càng thấy nó thực sự có ý nghĩa.

Theo đó, CCHC không chỉ đem lại lợi ích xã hội, tiết kiệm thời gian công sức chi phí, bớt đi thủ tục phiền hà mà còn tạo thêm điều kiện, sức bật đúng hơn là sự phấn khích hơn cho con người. Họ cảm thấy thông qua cải cách này mình được lợi ích nhiều hơn, lợi ích tập thể cũng được nhiều hơn và cả xã hội cũng được lợi nhiều hơn. Quan hệ con người với con người, giữa cơ quan hành chính với DN, với người dân được trân trọng hơn. Những thủ tục phức tạp rườm rà được gạt bỏ, môi trường kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tạo niềm tin cho thị trường, người dân và DN.

Chuyển biến CCHC càng mạnh mẽ bao nhiêu thì càng thúc đẩy các hoạt động tiền tệ - ngân hàng tiếp cận cơ chế thị trường bấy nhiêu. Và ngược lại, khi nền kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện thì càng đòi hỏi tính khách quan, thiết thực, hiệu quả của các chương trình CCHC.  Và khi đó tất yếu các quan hệ kinh tế được bình đẳng, người cho vay và người đi vay là quan hệ cộng sinh, hợp tác, chia sẻ, cùng chung lợi ích. Đó là ý nghĩa quan trọng mà tôi rút ra từ việc chỉ đạo điều hành CCHC trong xu thế phát triển kinh tế thị trường hiện nay. 

Tất nhiên vẫn còn đâu đó những vấn đề cần tiếp tục cải cách và hành trình CCHC vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Nhưng ít nhất sau một thời gian quyết liệt chúng ta đã thay đổi được nhận thức với sự tôn trọng, ứng xử đúng mực giữa cơ quan hành chính với người dân, giữa khách hàng với ngân hàng. Cải cách đạt đến mức độ thông tin cung cấp nhanh đầy đủ, các giao dịch hành chính thuận lợi và sự minh bạch rõ ràng trong các giao dịch tài chính, khi đó sẽ tạo ra một mối quan hệ hợp tác bình đẳng, chia sẻ rủi ro của các bên, hướng đến những lợi ích, sự hài lòng và thỏa mãn tối đa cho người dân và DN. Đó chính là cái đích cải cách mà ngành Ngân hàng luôn hướng tới.

Tóm lại, mục tiêu của CCHC ngành Ngân hàng chính là việc làm thế nào khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, cung ứng vốn và các dịch vụ tiền tệ - thanh toán ngày càng hiện đại cho người dân và DN, góp phần hỗ trợ DN giảm chi phí, giảm giá thành, mở rộng đầu tư phát triển, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời các quan hệ đó vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước chặt chẽ trong một khuôn khổ pháp lý với đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm, ngăn chặn mọi rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, đảm bảo an toàn tài sản của người dân và DN.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc


Minh Ngọc thực hiện (Thời báo ngân hàng)