Sau khi nghe
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải
trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào sáng
nay (18/1), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Kết quả biểu
quyết điện tử cho thấy, có 450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ
lệ 91,28%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội
đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
|
Quốc hội thông qua dự án Luật
Các TCTD sửa đổi
|
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình,
chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội
khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín
dụng sửa đổi. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban
Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn
thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo
đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu
quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của
Quốc hội. Ngày 16/1/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 18/BC-CP về ý kiến đối với
tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Liên quan đến một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình,
chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về một
số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín
dụng (tại khoản 24 Điều 4, Điều 63, Điều 136), có ý kiến đề nghị quy định người
có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân. Tiếp thu ý kiến của
ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định phạm vi người có liên quan đối với quỹ tín dụng
nhân dân hẹp hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) khác và thể hiện
tại điểm h khoản 24 Điều 4 của dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ
phẩn, giảm giới hạn cấp tín dụng chưa xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng,
chi phối như thời gian vừa qua, quan trọng là việc giám sát thực thi. UBTVQH
thống nhất với ý kiến của ĐBQH, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ
phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều
hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin
(Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải
thực hiện cung cấp thông tin, TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ
đông này để bảo đảm minh bạch.
Về hoạt động
đại lý bảo hiểm của TCTD (tại Điều 5, Điều 113), Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho
biết, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành,
nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo
hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình
thức. Đồng thời, giao Thống đốc NHNN quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm
của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.
|
Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng (tại Điều 159, Điều
161), có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng điểm a và b khoản 2 Điều 159 của dự
thảo Luật quy định TCTD phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa được trích
lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ trong báo cáo tài chính, bao gồm
cả báo cáo tài chính niêm yết công khai tại dự thảo Luật. UBTVQH cho biết, tại
Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy
định của pháp luật, trừ trường hợp TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy,
trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo
hướng quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải
thoái chưa phân bổ như tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 159 của dự thảo Luật.
Về chấm dứt can thiệp sớm, có ý kiến cho rằng, tại
Điều 161 cần quy định thống nhất việc NHNN có văn bản áp dụng và chấm dứt can
thiệp sớm tại dự thảo Luật tương tự như quy định tại khoản 3 Điều 130a Luật Các
TCTD hiện hành. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về can thiệp sớm như dự thảo
Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định NHNN phải có văn bản
quyết định chấm dứt can thiệp sớm.
UBTVQH đã chỉnh lý điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2
Điều 161 theo hướng NHNN có văn bản chấm dứt việc thực hiện văn bản yêu cầu quy
định khoản 2 Điều 156 của Luật này khi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm. NHNN có trách nhiệm theo dõi,
giám sát và bảo đảm thực trạng của TCTD đã khắc phục được tình trạng dẫn đến
can thiệp sớm.
Về cho vay đặc biệt quỹ tín dụng nhân dân (tại Điều
193), có ý kiến đề nghị bỏ quy định NHNN quyết định việc cho vay đặc biệt của
ngân hàng hợp tác xã với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đối với quỹ
tín dụng nhân dân tại dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH chỉnh lý
khoản 2 Điều 193 theo hướng quy định ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay
đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (tại Chương XII),
tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH chỉnh lý theo hướng quy định về chuyển nhượng
toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại
khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản
đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi
nợ tại khoản 15 Điều 210 của dự thảo Luật
Về hiệu lực thi hành (Điều 209), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh
tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã
có văn bản số 358/NHNN-PC đề xuất chỉnh lý quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều
209 về hiệu lực thi hành của dự thảo Luật như sau:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07
năm 2024, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025”.
UBTVQH thống nhất với đề nghị của Cơ quan soạn thảo;
đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm
có hiệu lực đồng thời với Luật.
Cũng trong
sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù
thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc bổ sung Kế
hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ
nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022
cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn
cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung
hạn.
Nguồn: thoibaonganhang.vn