Gia tăng cho vay điện mặt trời

Các ngân hàng đang tập trung đầu tư tín dụng xanh mà trong đó có các dự án điện mặt trời với nhiều hình thức ưu đãi lãi suất, tài sản thế chấp bằng chính thiết bị điện mặt trời.

Đa dạng sản phẩm tín dụng

TPBank mới đây công bố cho vay các DN đầu tư thiết bị điện năng lượng mặt trời và sử dụng chính những thiết bị này làm tài sản đảm bảo nợ vay mà không cần đến các bất động sản thế chấp khoản nợ. Hạn mức cấp tín dụng cho loại hình này có thể lên đến 70% giá trị đầu tư thiết bị điện năng lượng mặt trời với lãi suất cho vay thấp hơn biểu lãi suất bình quân của ngân hàng này 2%/năm. Thời gian qua, TPBank đã ký hợp tác với Tập đoàn Bamboo Capital về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng thực hiện các dự án điện tái tạo trong vòng 2 năm, cho các dự án điện gió với tổng công suất 650 Mw ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh và nhà máy điện mặt trời 330 Mw ở Bình Định… Trước đó ngân hàng này còn đầu tư dự án điện mặt trời ở Long An với khoản tài trợ tín dụng lên đến 2.200 tỷ đồng và một dự án ở Ninh Thuận với giá trị đầu tư tín dụng lên đến 1.000 tỷ đồng.


Thận trọng đổ vốn cho vay trong xu hướng nhà nhà vay vốn đầu tư điện mặt trời

Trong khi HDBank cũng đang triển khai chương trình "Thẻ xanh cho gia đình Việt". Theo đó ngân hàng sẽ phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái có nhu cầu mở thẻ để thanh toán hợp đồng xây lắp. Hạn mức thẻ lên đến 250 triệu đồng, thời hạn sử dụng đến 6 năm. Ngân hàng không yêu cầu tài sản đảm bảo. Ngoài ra, khách hàng còn được hỗ trợ lãi suất từ 6 đến 12 tháng hoặc giảm 2-3% trong suốt thời gian vay khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời từ các đối tác liên kết của HDBank.

VietCapitalbank cũng đang đầu tư cho vay đối với các dự án điện mặt trời với hạn mức lên đến 100% giá trị dự án nhưng tối đa là 200 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm. HSBC đang áp dụng lãi suất cho vay điện năng lượng mặt trời từ 11,99-12,99%/năm đối với một vài dự án điện mặt trời đã giải ngân. Vietcombank đã cho vay 785 tỷ đồng vào dự án Nhà máy điện mặt trời Solar 1 ở Ninh Thuận, Agribank cho vay 950 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Long Thành ở Đắk Lắk, VietinBank cho vay 1.000 tỷ đồng cho vay làm dự án điện mặt trời của TTC số 1 đặt ở Tây Ninh…

Xu hướng đầu tư tín dụng vào các dự án điện mặt trời của DN và hộ gia đình đang nở rộ trong các ngân hàng sau khi NHNN có Quyết định 1604/2018/QĐ-NHNN về việc phê duyệt dự án ngân hàng xanh. Quyết định có nội hàm rất rộng, trong đó các cấu phần về các TCTD nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua công nghệ để cấp tín dụng ra thị trường với chi phí thấp. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020 NHNN sẽ có đánh giá tổng thể trên tỷ trọng đầu tư vào ngân hàng xanh để đưa ra những chính sách tiền tệ định hướng cho toàn hệ thống trong giai đoạn 2021-2025. Theo một lãnh đạo NHNN, hoạt động đầu tư vốn tín dụng vào điện mặt trời và các loại năng lượng tái tạo thời gian gần đây đang gia tăng trong các TCTD, điều này giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng và góp phần “xanh hóa” tín dụng ngân hàng.

Cẩn trọng rủi ro

Hoạt động đầu tư điện năng lượng mặt trời và các năng lượng tái tạo nằm trong chiến lược tiết kiệm năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia. Theo số liệu thống kê, trong vòng 10 năm tới nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ tăng 8%/năm, nhưng trong những năm gần đây không có một dự án điện quy mô lớn nào được đầu tư.

Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025. Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ tài liệu cung cấp nền tảng quan trọng cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025.

Được biết đến nay các TCTD đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án điện mặt trời và các loại năng lượng tái tạo. Mặc dù con số trên là chưa lớn trên tổng dư nợ, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi mà làn sóng đầu tư điện mặt trời áp mái đang nở rộ sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành; trong đó cho phép các hệ thống điện mặt trời mái nhà được một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp không sử dụng lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện giá bán điện mặt trời áp mái là 8,38 USD/kWh được quy đổi theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do NHNN Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo.

Với Quyết định 13, việc đầu tư các dự án điện áp mái không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ dân, mà còn có thể bán được, qua đó rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư vào các dự án này. Theo PGS. Ngô Trí Long, những lợi ích thiết thực do điện mặt trời áp mái đem lại đã rất rõ ràng, ngoài giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao thì đó còn là vì không tốn diện tích đất khi lắp đặt, thời gian lắp ngắn và với chi phí ngày càng giảm thì việc hoàn vốn hiện nay chỉ còn khoảng 4 - 5 năm.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng làn sóng đầu tư điện áp mái chắc chắn sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên cần thêm cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính, cơ quan, trường học, bệnh viện và các doanh nghiệp tự đầu tư để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện.

Làn sóng đầu tư điện mặt trời áp mái bùng nổ sẽ kéo theo nhu cầu vay vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, cho vay đối với các dự án điện mặt trời cũng có rủi ro. Hiện không ít ngân hàng đang cho vay đối với các dự án điện mặt trời dựa trên tài sản đảm bảo là chính hệ thống thiết bị. Thế nhưng do công nghệ thay đổi nhanh chóng, có thể khiến giá trị của tài sản đảm bảo bị sụt giảm. Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời có thời gian thu hồi vốn khá lâu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Nguồn: thoibaonganhang.vn