Thủ tướng chủ trì hội nghị gỡ khó cho các dự án nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tổ chức vào ngày 16/3.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Công điện số 398/VPCP-TH gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan mời tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội tiếp tục được nghị bàn tháo gỡ khó khăn

Hội nghị sẽ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Thời gian tổ chức vào sáng 16/3/2024.

Trước đó, hồi cuối tháng 2, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024.

Thông tin tại Hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với  quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.

Tuy nhiên một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; TP.Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%;...), hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi,...).

Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân  chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn do một số yếu tố, gồm: thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.

Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, có địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Cụ thể, ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.

Nhà ở xã hội vẫn thiếu trầm trọng

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, nhưng vẫn phải xác định tiền thuê đất. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng mua cũng mất nhiều thời gian. Do đó, cần có giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Hiệu suất đầu tư nhà ở xã hội hiện thấp hơn 25% so với nhà ở thương mại, trong khi sản phầm này cũng cần đầu tư chất lượng và kiểu mẫu, nên Bộ Xây dựng cần xem xét suất đầu tư này.

“Nhà ở xã hội cần có cơ chế riêng, nhanh gọn hơn, chất lượng cũng cần tốt hơn. Cách nhìn, tư duy đối tượng nhà ở xã hội rộng rãi hơn, bình đẳng hơn”, ông Hoa nói.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản An Hưng, cũng cho rằng thời gian thực hiện thủ tục pháp lý với nhà ở xã hội quá lâu, nhất là phần duyệt giá bán. Theo quy định thì thời gian thực hiện thủ tục này là một tháng, nhưng có trường hợp kéo dài tới năm tháng mới xong.

Không chỉ vướng mắc về thủ tục thực hiện dự án, một số đơn vị còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, cho biết doanh nghiệp đã đầu tư hoàn thành 8.000 căn hộ và chuẩn bị quỹ đất sạch cho 9.000 căn hộ trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ có 5.000 căn được đưa vào sử dụng, còn 3.000 căn đang tồn kho.

“Đây là các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, cơ bản đồng bộ hạ tầng. Giá thành sảm phẩm hợp lý, nhưng hiện vướng quy định về đối tượng mua nên khó bán”, ông Ngọc Anh nói.

Năm 2024, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện mục tiêu Chính phủ giao là nỗ lực trên cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, nhà ở xã hội vẫn cần thêm "lực đẩy" chính sách nhằm khơi thông nguồn cung, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào phát triển phân khúc này.

 Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp