Qua khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp kiên cường hơn

“Có những doanh nghiệp còn cảm ơn khủng hoảng vì nó giúp họ trở nên kiên cường hơn, khẳng định được kế hoạch và tầm nhìn trong thời gian tới”, báo cáo cho biết.




Trong cuộc trao buổi chia sẻ trực tuyến D-coffee talk của Deloitte Private với các doanh nghiệp và báo chí hôm 30/8/2021, chủ đề chính được trao đổi là "Xây dựng khả năng phục hồi: Từ góc nhìn toàn cầu đến thị trường Việt Nam".

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, ông William Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private châu Á - Thái Bình Dương và bà Nathalie Tessier - Lãnh đạo Deloitte Private Toàn cầu cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân ở khắp nơi trên thế giới tận dụng cuộc khủng hoảng này như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

“Khi thế giới hoạt động chậm lại do đại dịch, tốc độ thay đổi đang tăng nhanh lên”, bà Nathalie Tessier nói.

Ông Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Deloitte Private của Deloitte Việt Nam, chia sẻ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và ngày càng phức tạp, tất cả các chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên thế giới có vạch xuất phát giống nhau, bao gồm cả Việt Nam. Ở cùng một điểm xuất phát là đang có cơ hội đi cùng, theo kịp và vượt lên.

“Chúng tôi phát hiện rằng nhiều doanh nghiệp qua khủng hoảng, trở nên kiên cường hơn, khẳng định tầm nhìn và kế hoạch của doanh nghiệp mình", ông Bùi Tuấn Minh nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hội và tạo nên sự kiên cường trong đại dịch, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng trước hết, doanh nghiệp cần có chiến lược để từ đó có những hành động thực thi chiến lược hiệu quả.

Thứ hai là tăng trưởng, lấy khách hàng làm trọng tâm, liên tục đổi mới sản phẩm, tăng chất lượng hàng hóa để tăng doanh thu.

Thứ ba là vận hành doanh nghiệp hiệu quả, cải tiến quy trình vận hành để hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động, tối ưu các nguồn lực, trong đó nguồn lực vốn là quan trọng.

Thứ tư là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tiếp theo là lực lượng lao động, nguồn vốn và quản trị tài nguyên, môi trường và làm tốt các vấn đề xã hội.

“Các doanh nghiệp càng kiên cường càng có xu hướng lạc quan và tự tin về tương lai, có xu hướng đầu tư để tăng trưởng”, ông Bùi Tuấn Minh nói.

Những doanh nghiệp có hành động cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục hồi thường có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng ngắn hạn, tin tưởng hơn vào tiềm năng dài hạn, sẽ tuyển dụng thêm lao động hoặc theo đuổi thương vụ mua bán sáp nhập.

Đáng chú ý là tuy hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng tự tin về khả năng phục hồi trong 36 tháng tới  nhưng chỉ  20% số doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao là tự tin về khả năng phục hồi trong 12 tháng tới. Nhưng sự tự tin ở doanh nghiệp có khả năng phục hồi trung bình là 8% và chỉ là 5% đối với doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp.

Cuộc khủng hoảng này cũng khẳng định sức sống của doanh nghiệp, sức mạnh của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào quản trị doanh nghiệp.

Ông Ivan Phạm - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Dịch vụ Quản trị Rủi ro tại Deloitte Việt Nam lưu ý, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có: Quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM)​, Quản trị khủng hoảng (CM), Kế hoạch hoạt động liên tục (BCP)​, Kế hoạch khôi phục sự cố (Disaster Recovery planning)​.

“Khi nhắc đến phát triển bền vững, thì câu chuyện đầu tiên cần là phải quản trị rủi ro. Doanh nghiệp không thể phát triển bền vững, nếu không biết doanh nghiệp đối mặt với rủi ro nào”, theo ông Ivan Phạm.

Theo các chuyên gia ở Deloitte, ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp đã và đang làm quản trị rủi ro nhưng ở góc đó theo kinh nghiệm và tự phát. Đây là điểm yếu.

Ngay cả khi có khung quản trị rủi ro rồi, có nhưng chưa đủ. Ngoài quản trị rủi ro ra, chúng ta còn có quản trị khủng hoảng để quản trị khủng hoảng những sự kiện thiên nga đen. Sau khi quản trị khủng hoảng xong, bước tiếp theo là xác định kế hoạch hoạt động liên tục như thế nào? Không chỉ tại Việt Nam mà cả các nước trên thế giới đều cần xác định tiếp theo trong 36 tháng tới, doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sau sự cố chưa?

Và điều quan trọng nhất, như Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh, đó là: “Khi khủng hoảng như thế này, doanh nghiệp có thể thay đổi nhanh hơn, một trong những thay đổi chính là thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp, để đi nhanh hơn sau khi phục hồi”.

Báo cáo "Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi" của Deloitte Private cho biết 69% các doanh nghiệp tư nhân được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ - không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ; 61% các doanh nghiệp tư nhân mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới; 60% số người tham gia khảo sát tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết lập lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

Báo cáo này thực hiện từ cuộc khảo sát tiến hành từ ngày 21/1/2021 đến 9/3/2021 với 2.750 lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia. Trong đó, có 600 lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương./.

Nguồn: Linh Linh (thoibaonganhang.vn)