Cần phối hợp tính toán để triển khai 'gói cấp bù lãi suất' hiệu quả

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2021, chiều 12/10, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định gói cấp bù lãi suất là rất cần thiết đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng cần phối hợp tính toán kỹ phương thức triển khai.

Ông Đào Minh Tú cho biết trong khi lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đang trăn trở về nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn thì NHNN xác định trong bối cảnh khó khăn, mọi chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, các khoản hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông… đối với DN, người dân là hết sức cần thiết.

Theo Phó Thống đốc NHNN, chủ trương của Đảng, Nhà nước là rất đúng đắn nhưng vấn đề là cần làm rõ các đối tượng thụ hưởng, cách thức, liều lượng hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả thực chất, trong đó có việc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những điểm chưa thành công của gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 1 tỷ USD) từ năm 2009 để triển khai gói hỗ trợ mới hiệu quả hơn, tránh để lại hậu quả trong tương lai.

“NHNN đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… bàn phương thức triển khai gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho DN cũng như cho nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú cho hay.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, gói cấp bù lãi suất là rất cần thiết đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khi xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến các mục tiêu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Nếu không đạt mục tiêu này thì nhiều mục tiêu khác cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói hỗ trợ này nên cần chờ thêm thời gian nữa. Khi gói cấp bù lãi suất được triển khai, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tính toán đúng nhu cầu, xây dựng những kịch bản, phương thức để triển khai gói hỗ trợ này một cách hợp lý nhất.

Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000-65.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói hỗ trợ này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, DN trong thời gian tới.

Gói cấp bù lãi suất thu hút sự nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tạo khuôn khổ pháp lý để giúp các DN thực sự khó khăn thì cần một quy chế đặc biệt cho gói cứu trợ này để không ảnh hưởng tới các TCTD.

Ngoài ra, việc cấp bù lãi suất không nên cào bằng mà chỉ nên triển khai với sự phân loại đối tượng, nhóm ngành. Ví dụ, nên ưu tiên hỗ trợ các DN vốn có tiềm lực phát triển nhưng gặp khó khăn khách quan, tạm thời do dịch COVID-19, còn các DN bất động sản lãi lớn, hay mua ô tô… thì không cần thiết phải hỗ trợ lãi suất.

Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất nếu cào bằng đồng loạt theo các TCTD cũng có thể khiến việc hỗ trợ vừa không trúng đích, vừa gây ra hệ lụy lớn về nợ xấu cho ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.  

Đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng vào khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết. 

Nguồn: https://baochinhphu.vn/