Công ty tài chính: Tích cực chia sẻ khó khăn cùng khách hàng

Cuối tuần qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các công ty tài chính là thành viên VNBA.

“Ngấm đòn” dịch Covid

Theo số liệu thống kê từ VNBA, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng vốn điều lệ của 12 công ty tài chính hội viên đạt: 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020…

Mặc dù vốn và tài sản được cải thiện, song tổng dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm nay của khối công ty tài chính gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020, đạt 129.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân tăng lên 9-10%, cao hơn nhiều con số 6% cuối năm 2020 và có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng cuối năm 2021. Nguyên do đối tượng khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương - là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

cong ty tai chinh tich cuc chia se kho khan cung khach hang
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song các công ty tài chính vẫn tích cực hỗ trợ khách hàng

Mặc dù cũng chịu nhiều khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA, thời gian qua các công ty tài chính đã rất tích cực mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng tích cực hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất theo tinh thần Thông tư 01, 03, 14…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các công ty tài chính tiêu dùng đã cơ cấu nợ cho khoảng trên 30.000 khách hàng, với số dư nợ cơ cấu lại khoảng 1.000 tỷ đồng. Các công ty tài chính cũng miễn giảm lãi cho khoảng 36.000 khách hàng, với số tiền miễn giảm lãi khoảng 600 tỷ đồng…

Gỡ vướng chính sách

Bên cạnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, hoạt động các công ty tài chính đang gặp khó khăn do vướng mắc về cơ chế chính sách. Chẳng hạn, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp nên khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng. Chưa kể, các công ty tài chính cũng đang rất lúng túng vì các vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp lý như Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN chưa đưa ra cơ chế phân loại rõ ràng về cho vay tiêu dùng và vay phục vụ đời sống; quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay; quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, quy định nội bộ chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng và mức độ rủi ro của khách hàng…

Khó khăn nữa theo phản ánh của các công ty tài chính là room tín dụng mà NHNN cấp cho các công ty tài chính còn thấp, làm hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hoà tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên, nhất là sau dịch Covid-19 và chưa phù hợp với đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc phê duyệt.

Vì vậy các công ty tài chính đề xuất NHNN xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng hoặc nới lỏng room tín dụng đối với các công ty tài chính sau khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh covid nhằm hỗ trợ các công ty trong công tác cung ứng vốn cho người dân phục hồi việc kinh doanh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các công ty tài chính cũng đề nghị NHNN tháo gỡ các vướng mắc, bất cập liên quan đến Thông tư 43 về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Đơn cử điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19; xem xét tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp đặc thù ngành.

Đại diện HD Saison cho rằng, hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên cần có thêm thời gian để phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Vì thế có thể phải hết quý I/2022, thu nhập việc làm của người lao động mới ổn định được, lúc đó công ty tài chính mới đi thu hồi nợ được.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn hành lang pháp lý áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số như eKYC, định danh số, chữ ký số… tạo thuận lợi cho các công ty tài chính hoạt động hiệu quả trong giai đoạn tới. “Công ty đưa ra sản phẩm hỗ trợ cho vay 3 tháng không phải trả cả gốc và lãi nhưng rất khó cho vay do giãn cách, khách hàng không ra ngoài được. Mà công ty tài chính lại chưa được triển khai eKYC. Vì thế, hoạt động cho vay mới của các công ty tài chính gặp khó khăn”, đại diện HDSaison bày tỏ.

Công ty cũng đề xuất NHNN xem xét điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để hạn chế họ tìm đến “tín dụng đen” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các công ty tài chính hội viên, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký VNBA bày tỏ mong muốn các vụ, cục chức năng thuộc NHNN tham mưu với lãnh đạo NHNN ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính. Ông cũng khẳng định: Hiệp hội sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức hội viên. Đồng thời, có những chia sẻ các vấn đề của Ngành để xã hội và các cơ quan quản lý hiểu hơn về hoạt động của các công ty tài chính.

Hà Thành (Thời báo ngân hàng)