Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi: Cần chính sách đồng bộ, quyết liệt

S. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Cần cơ chế đặc biệt

Qua khảo sát cho thấy, vẫn còn 4 khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Thứ nhất là thiếu lực lượng lao động. Thực tế, vẫn còn hiện tượng các tỉnh thành áp dụng tương đối khác nhau về Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành. Đâu đó vẫn còn hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động, điều này tiếp tục làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về mô hình sản xuất vẫn còn khác nhau ở nhiều địa phương, nơi quy định “3 tại chỗ”, nơi quy định “1 cung đường 2 điểm đến”, có nhiều doanh nghiệp vẫn thích nghi tốt, thấy phù hợp nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thứ ba là câu chuyện nguyên vật liệu đầu vào. Giá cả tăng lên rất nhanh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng ở một số nước… làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Thứ tư, khó khăn liên quan đến tài chính và dòng tiền vẫn đang là một gánh nặng của doanh nghiệp.



Để giải quyết các khó khăn trên, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất thuận lợi.

Số liệu thống kê chỉ ra, toàn bộ gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2021 xoay quanh mức 4% GDP, vì vậy thời gian tới cần thêm gói hỗ trợ từ 1% - 2% GDP, tức là từ 80.000 - 160.000 tỷ đồng, tùy thuộc vào năng lực ngân sách của Chính phủ.

Tính toán cho thấy, nếu có gói hỗ trợ tài khóa như vậy, tất cả các chỉ tiêu về lạm phát, ngân sách nhà nước, nợ công… vẫn trong ngưỡng an toàn. Thậm chí lúc này, chúng ta phải chấp nhận dư nợ công, thâm hụt ngân sách tăng lên, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần phục hồi kinh tế nhanh hơn, tốt hơn, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bên cạnh đó, nên hỗ trợ từ 1-2 năm, ít nhất là đến 2023 hoặc cuối năm 2023, sẽ quay trở lại điều hành bình thường, khi đó, Việt Nam có đủ dư địa để cân bằng cán cân vĩ mô.

Trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất thấp, Chính phủ cũng có thể xem xét đi vay nợ thêm cả ở trong nước và quốc tế. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn ở mức 24,5% - 25% tổng thu ngân sách, là ngưỡng an toàn, cả theo quy định của Quốc hội cũng như trong việc kiểm soát các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội:

Chính sách hỗ trợ cần dài hơi

Trong 2 năm trở lại đây, các chính sách hỗ trợ đã được áp dụng một cách toàn diện, phù hợp với độ phủ rộng trên tất cả các đối tượng khác nhau, tạo nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chủ yếu mới dừng ở việc giãn, hoãn các khoản thuế, phí, đến thời hạn doanh nghiệp vẫn phải nộp về cơ quan quản lý nhà nước. Điều doanh nghiệp mong muốn là có thể giảm một số loại thuế, phí để thực sự bớt được gánh nặng về chi phí.

Cùng với đó, cần các chính sách dài hơi hơn, bởi lẽ điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp ở trong thời điểm hiện tại là duy trì “sự sống” và dần dần phục hồi. Quá trình này có thể kéo dài đến 1 năm, 2 năm thậm chí là 3-5 năm, sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Các chính sách hiện tại chỉ áp dụng đến 31/12/2021, cần phải kéo dài đến hết năm 2022 để doanh nghiệp kịp “hồi sức”.

Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp một số chi phí chống dịch, đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2021. Chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, vì vậy Chính phủ cần chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này.

Nhiều dịp lễ đặc biệt cuối năm và Tết Nguyên đán đang tới gần, cần có những hỗ trợ về dòng tiền cho doanh nghiệp, không chỉ là để thanh toán các khoản nguyên liệu đầu vào mà còn để duy trì các hoạt động vận hành sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có những chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu đối với người tiêu dùng.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam:

Lùi chính sách làm tăng chi phí cho doanh nghiệp

Đợt dịch lần thứ tư đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến doanh thu, lợi nhuận đồng thời gia tăng chi phí cao cho doanh nghiệp logistics trong nỗ lực nhằm duy trì sản xuất kinh doanh theo yêu cầu “3 tại chỗ” cũng như công tác phòng chống dịch.

Chính vì vậy, cần có chính sách giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách làm tăng chi phí cho doanh nghiệp logistics như chi phí vận tải, nhiên liệu, BOT, phí phát sinh khác như phụ phí, phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển Hải Phòng, sắp tới là TP.HCM… đều nên cân nhắc điều chỉnh, lùi thời gian áp dụng.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, đơn cử như tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam vừa qua cho thấy, cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là kiểm soát tốt những hãng tàu nước ngoài, kiểm soát giá cước vận tải, kiểm soát phụ phí, chi phí mà các hãng tàu đơn phương đặt ra.

Ông Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam:

Nhanh chóng có kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế

Với lĩnh vực hàng không, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả kéo dài của dãn cách, chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa thể nhanh chóng khôi phục, nhiều địa phương còn rất thận trọng trong việc mở cửa cho hệ thống giao thông, trong đó có giao thông hàng không.

Do đó, Nhà nước cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế, trong đó có ngành giao thông, đặc biệt là ngành hàng không có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.

Cùng với đó, khôi phục thị trường vận chuyển hành khách, trong đó có thị trường vận chuyển hàng không; sớm có chính sách đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, phù hợp linh hoạt và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Cần chính sách đồng nhất để hỗ trợ kích cầu, thực sự mở cửa chứ không phải chỗ mở chỗ đóng. Những vùng xanh, những khu an toàn nên có chính sách mở cửa. Nếu đồng bộ được các chính sách thì sẽ sớm khôi phục được thị trường.

Ngoài ra, cần sớm công nhận hộ chiếu vaccine, đây là cơ hội để chúng ta khôi phục đường bay quốc tế. Rõ ràng chúng ta đang chậm chân so với các nước khu vực trong lĩnh vực hàng không, cần biện pháp cấp bách để chúng ta giữ được thị trường của mình./.

Nguồn: Quỳnh Trang (thoibaonganhang.vn)