Hỗ trợ nông dân tiếp cận nông nghiệp thông minh

Nông nghiệp thông minh chủ yếu dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, chuyển giao, phân phối và sử dụng năng lượng một cách bền vững, vừa bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hợp lý tài nguyên, vừa bảo đảm tăng hiệu quả năng suất lao động ngành nông nghiệp, giúp khu vực nông thôn sớm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

ho tro nong dan tiep can nong nghiep thong minh
Công nghệ là trợ thủ đắc lực của bà con nông dân trong sản xuất

Theo PGS-TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Hợp tác xã nông nghiệp số Việt Nam, biến đổi khí hậu đang gây nên những tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển nông nghiệp. Đây không phải là vấn nạn của riêng quốc gia nào mà là vấn đề của cả thế giới. Vài thập niên trở lại đây, những thách thức về biến đổi khí hậu mà ngành nông nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt có xu hướng gia tăng và ngày càng khốc liệt.

Vượt lên tất cả, nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ của Quốc gia mà còn đảm đương cả trách nhiệm quốc tế. Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đạt 44 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với năm 2017. Việt Nam muốn tăng trưởng nông nghiệp bền vững, đồng nghĩa phải có giá trị gia tăng từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, phát triển thị trường… phải tiếp cận kinh tế số, nông nghiệp thông minh.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nông nghiệp thông minh đòi hỏi người nông dân phải nâng cao năng lực để thích ứng với bối cảnh mới, do đó người nông dân thực sự cần được hỗ trợ trong tiếp cận nền nông nghiệp thông minh.

Ở nông thôn hiện nay có đến 63% dân số sử dụng internet thường xuyên, khá thuận lợi để nông dân dùng điện thoại thông minh trong quản lý dữ liệu về điều kiện môi trường, thời tiết, lượng nguyên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp, giá cả, diện tích đất canh tác, cả việc nắm bắt nhu cầu thị trường nông sản, khuyến nông… đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp. Khoa học, công nghệ và sự sáng tạo sẽ giúp người nông dân Việt Nam đóng vai trò làm chủ trong nông nghiệp thông minh. Các nhà làm chính sách, các cơ quan quốc tế, các trường đại học phải hỗ trợ, sát cánh cùng người nông dân trong quá trình đó.

Ông Salaheddine Lalaouinajth, Bí thư thứ nhất phụ trách về kinh tế tại Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam cho biết, từ năm 2008, Maroc đã quyết định khởi xướng Kế hoạch Xanh, phát triển nông nghiệp thông minh tập trung vào 3 nội dung chính là hệ thống quản lý trang trại (FMIS), nông nghiệp chính xác (PA) và công nghệ internet vạn vật. Chỉ sau một thời gian ngắn, nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Maroc khi đóng góp gần 14% tổng sản phẩm trong nước, thu hút lực lượng lao động lên đến 38% dân số và đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm ổn định cho gần 37 triệu dân…

Muốn hình thành nông nghiệp thông minh, PGS-TS. Phạm Quang Hà nhấn mạnh rằng, bên cạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kết hợp công nghệ tự động hóa và một hệ thống dữ liệu đồng bộ, cần hỗ trợ, xây dựng hạ tầng hậu cần, dịch vụ để sử dụng hợp lý tài nguyên vùng nông thôn, kết nối nông nghiệp thông minh và nông thôn mới thông minh, kết nối thành phố thông minh và vùng nông thôn thông minh để phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần được tiếp tục cắt giảm một cách thực chất. Như giảm gánh nặng thuế, phí, chế độ kế hoạch cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xác định doanh nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp.

Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, tăng hỗ trợ các lĩnh vực còn nhiều dư địa tăng trưởng như thủy sản, chăn nuôi, rau quả, chế biến lâm sản. Bởi thực tế cho thấy nợ xấu cho vay trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thấp nhất trong các ngành kinh tế.

Nguồn: Hữu An (thoibaonganhang.vn)