Nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững

Cải cách hành chính (CCHC) được coi là “xương sống” và là “tinh thần”, nền tảng để NHNN sử dụng hiệu quả quyền lực quản lý, vận dụng đầy đủ, đúng đắn quy luật kinh tế khách quan vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, phát huy những mặt ưu việt của kinh tế thị trường để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, tạo hài hoà cung - cầu, ổn định kinh tế vĩ mô, cùng Chính phủ chèo lái con thuyền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngay cả trong giai đoạn khó khăn chưa từng có vừa qua khi dịch Covid-19 bùng phát...

*******

Trong công cuộc phát triển kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế có sự quản lý của nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, CCHC được xem là khâu đột phá nhằm đổi mới căn bản mối quan hệ giữa nhà nước - là người "cầm lái", người quản lý và cũng là người phục vụ với công dân - là "khách hàng" và cũng là người "chèo thuyền", để cùng xây dựng đất nước, theo tinh thần của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Thực tế này có thể thấy rất rõ trong kết quả CCHC của NHNN những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19.

Với vai trò người "cầm lái" hướng con thuyền kinh tế theo định hướng thị trường thông qua chính sách tiền tệ, tín dụng, NHNN đã xây dựng một nền hành chính năng động, cởi mở, hiệu quả, nhạy bén với yêu cầu đặt ra. Tư duy phục vụ trong một Chính phủ hành động thể hiện rõ qua việc phá bỏ không gian hành chính truyền thống. Những nhà làm chính sách, thực thi chính sách của ngành Ngân hàng đã thực sự sâu sát để thấu rõ nhu cầu và những khó khăn của TCTD, doanh nghiệp và người dân, từ đó tháo gỡ kịp thời và triệt để những khó khăn vướng mắc.

Những điều này đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự khởi sắc của nền kinh tế. Trong những ngày đầu tháng 4/2022, các ngân hàng và doanh nghiệp đã trao hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các chương trình, các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng nguồn vốn cam kết hơn 21.000 tỷ đồng ngay trong Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp do đích thân Thống đốc NHNN chủ trì cùng lãnh đạo tỉnh.

Thống kê của NHNN cũng cho thấy, đến cuối quý IV/2021, đã có khoảng hơn 320 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Qua đó, các TCTD đã cho vay mới với dư nợ đạt khoảng 960 nghìn tỷ đồng cho hơn 70 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) đối với trên 5.300 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với dư nợ khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí...) cho hơn 42.600 doanh nghiệp và một số khách hàng khác đối với các khoản vay cũ có dư nợ hơn 110 nghìn tỷ đồng. Các ý kiến tham luận và các đề xuất kiến nghị tại các cuộc hội nghị, đối thoại với ngân hàng cũng là một cơ sở thực tế để NHNN kiến tạo một khung pháp lý hoàn chỉnh nhằm bắt kịp và đón trước sự phát triển của thực tiễn, phù hợp với những quy định và thông lệ quốc tế, điều chỉnh hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh tham gia phát triển đất nước vì lợi ích chung của toàn xã hội; làm sáng rõ con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cải cách thể chế tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch CCHC của NHNN giai đoạn 2021-2025, trong đó NHNN đặt mục tiêu trọng tâm tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng sức mạnh cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế.

Đặc biệt, đã có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của các TCTD, CCHC là yêu cầu bắt buộc từ quy luật phát triển đã khiến nó trở thành nhu cầu tự thân của từng đơn vị. Theo đó, các TCTD đổi mới công tác quản trị, điều hành, đẩy mạnh cải tiến các thủ tục giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

*******

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chứng tỏ quan điểm điều hành của NHNN rất nhất quán với quan điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó chính là điều hành chính sách tiền tệ tín dụng luôn bám vào thị trường, trợ lực kịp thời những khó khăn của thị trường, vừa đào thải những cái yếu kém, vừa đẩy mạnh nhân rộng mô hình cách làm hay, những thế mạnh của nền kinh tế.


                                                          CCHC nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn                                              

NHNN cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 và 2022 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đồng thời thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.Thời gian qua có thể thấy rõ qua tính hai mặt của dịch Covid-19, đó là trong khó khăn có cơ hội. Bên cạnh những thời cơ mới cho doanh nghiệp "dụng võ", thì đây cũng là thời điểm sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các TCTD cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các TCTD không chỉ cần vượt khó, cạnh tranh để vươn lên, mà đồng thời còn phải gánh vác một trọng trách ứng xử và phục vụ nền kinh tế thông qua việc triển khai hàng loạt các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đó là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Tổng hợp từ báo cáo nhanh của các TCTD qua thư điện tử, lũy kế từ 23/1/2020 đến 14/3/2022 của NHNN cho thấy, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch khoảng 45.000 tỷ đồng. Những con số này cùng kết quả hoạt động tín dụng của ngành cho thấy "Quan hệ cộng sinh và đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp đã được thắt chặt hơn trong bối cảnh đại dịch vừa qua và ngày càng được các ngân hàng nhận thức sâu sắc hơn". Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Đào Minh Tú nhận định.

Trong chiến lược CCHC giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 2021-2025, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột. Trong đó, NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến; Hiện đại hóa toàn ngành áp dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sự thúc đẩy chung, góp phần chuẩn hóa các hoạt động hành chính, dịch vụ, tiết giảm chi phí, quan trọng hơn là liên thông, liên kết trong vận hành các hoạt động toàn ngành Ngân hàng hướng tới Chính phủ số. NHNN tiếp tục định hướng các TCTD cải cách tập trung vào đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó chính là đội ngũ cán bộ ngân hàng có năng lực quản lý và kinh doanh, làm việc với trách nhiệm cao, ý thức phục vụ tốt; đạo đức công chức công vụ luôn được tôn trọng.

"Chúng tôi xác định đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đưa trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam ngang bằng và có bản sắc riêng với các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết./.

Nguồn: Minh Ngọc (thoibaonganhang.vn)