Gam sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2022

Gam màu sáng vẫn là gam màu chủ đạo của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 khi tất cả các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng ấn tượng.    

gam sang trong buc tranh kinh te nua dau nam 2022

Những con số tích cực

Những số liệu kinh tế-xã hội của Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 đã cho thấy một bức tranh với nhiều gam màu sáng khi tất cả các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, khởi sắc. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượt hành khách vận chuyển tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8%.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116.9 ngàn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 ngàn doanh nghiệp).

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3 năm 2022 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 2 năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1,301.2 ngàn tỷ đồng, tăng 9.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Bước sang nửa đầu năm 2022, mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo của Tổng cục thống kê nhưng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phần nào đã chậm nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Cụ thể, VEPR nhìn nhận, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, có thể kể đến như: các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu; áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh; rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine; sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam.

Triển vọng lạc quan

Bước vào giai đoạn bình thường mới, nhiều tổ chức, định chế tài chính lớn cũng có nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2022.

gam sang trong buc tranh kinh te nua dau nam 2022
Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức quốc tế

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022, WB nhận định nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2022, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 6%. Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, giúp cho việc chuyển hướng chiến lược sang sống chung với Covid-19.

Kể từ khi nới lỏng các hạn chế, việc di chuyển đã được cải thiện và sự phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp diễn, được hỗ trợ bởi các chính sách kinh tế vĩ mô nới lỏng. Đặc biệt, việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Báo cáo dự báo, vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát. Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài.

Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, còn các rủi ro khác liên quan đến những biến thể của Covid-19, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

“Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ.  Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp non trẻ. Cần có những nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động và giảm tình trạng không đạt yêu cầu về kỹ năng lao động”.- Báo cáo nhấn mạnh.

Chuyên gia IMF khuyến nghị, trong ngắn hạn, Việt Nam cần chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Để đối phó với áp lực lạm phát, cần tăng cường sử dụng chính sách tài khóa. Ngoài ra, cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm.

Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt 6,5% khi nền kinh tế dần phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

ADB cho rằng, các biện pháp tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm 0,5%-1,0% lãi suất cho vay trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cứu trợ tín dụng đến hết năm 2023. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến năm 2022 là 14%. Cắt giảm lãi suất và phục hồi nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ đạt được mục tiêu này.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích thích khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Sản lượng nông nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Chính sách mở cửa trở lại du lịch của chính phủ được thực hiện vào tháng 3 và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, với dự báo lĩnh vực này tăng trưởng 5,5% và đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022.

Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8%-10% trong năm 2022. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, đồng thời tiêu dùng trong nước cũng phục hồi.

Thái Hoàng (thoibaonganhang.vn)