Chủ động đón sóng đầu tư nước ngoài

Trong 2 năm vừa qua, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tập trung phát huy nội lực, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt nhiều kết quả khả quan, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Theo đó, tổng vốn FDI đăng ký năm 2021 đạt trên 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020; 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù vốn đầu tư thực hiện năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nhưng 7 tháng đầu năm 2022 đã bật tăng trở lại đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong 5 năm qua.


Tiềm năng tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định là một trong những yếu tố hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài. Bên cạnh sự ổn định chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong khu vực, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc và sự tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành, điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền đã và đang được cải thiện rõ rệt.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng. Một số Tập đoàn lớn đã thực hiện quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron… Với vai trò là đầu tàu xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI đã hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung cấp nguyên phụ liệu và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp này.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp FDI tại Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức nhận định, với sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đánh giá là điểm đến an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

“Việc các tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới, qua đó giúp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư, góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam có thể đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới trong nước chưa có nhiều dự án FDI như trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin...”, vị Tổng giám đốc trên chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam như chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô...

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thuận lợi thì Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới. Đó là, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt. Hơn nữa, việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam.

Vấn đề đáng quan tâm khác chính là cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài còn chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn thiếu gắn kết, chưa theo đúng định hướng, dẫn đến việc thu hút FDI thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao. Cũng như, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao, chi phí vận chuyển còn ở mức cao so với các nước trong khu vực… dẫn tới kém cạnh tranh.

Theo GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, để nâng cao hiệu quả thu hút FDI, đạt được những mục tiêu Chính phủ đặt ra đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền. Bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển... Đặc biệt, cần đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thế hệ mới thay thế dần các chính sách thu hút đầu tư hiện nay khai thác lợi thế cạnh tranh truyền thống đang dần không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

“Quan trọng, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao, như: hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, logistics... xây dựng và phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, kết nối với trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng, của địa phương và doanh nghiệp nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, tạo sự kết nối, lan tỏa, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước”, GS. Nguyễn Mại khuyến nghị.

Việt Nam xác định rõ quan điểm định hướng và mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Ngày 02/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Chiến lược đề ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới và nâng cao cạnh tranh trong thu hút FDI, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư.

Nguồn: Nhật Minh (thoibaonganhang.vn)