Hỗ trợ tăng trưởng, không chủ quan lạm phát

Mặc dù đợt cấp thêm hạn mức tín dụng lần này nằm trong tổng room tín dụng 14% mà NHNN đưa ra từ đầu năm, nhưng đây là tin vui đối với các ngân hàng, đặc biệt là đối với cộng đồng DN chờ đợi phần nào giải tỏa cơn khát vốn từ nay đến cuối năm.

Thêm dư địa hỗ trợ tăng trưởng

Giữa tuần này, NHNN thông báo chính thức về việc đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này. Giới chuyên môn đánh giá, động thái điều chỉnh room tín dụng phù hợp với diễn biến tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, dự báo tăng trưởng quý III sẽ cao hơn nhiều so với quý II. “Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng. Việc điều chỉnh room tín dụng thể hiện sự kịp thời chủ động của NHNN trong mở rộng tín dụng đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế”, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính - Đại học TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nới room cho các ngân hàng tập trung cho vay vào ngành có khả năng phục hồi mạnh và những ngành bị thiệt hại nhiều trong 2 năm vừa qua cần được hỗ trợ như du lịch, dịch vụ...

ho tro tang truong khong chu quan lam phat
Ảnh minh họa

Mặc dù đợt cấp thêm hạn mức tín dụng lần này nằm trong tổng room tín dụng 14% mà NHNN đưa ra từ đầu năm, nhưng đây là tin vui đối với các ngân hàng, đặc biệt là đối với cộng đồng DN chờ đợi phần nào giải tỏa cơn khát vốn từ nay đến cuối năm. Theo tìm hiểu của phóng viên, lần cấp mới này chỉ khoảng hơn một chục ngân hàng chứ không phải tất cả các ngân hàng đều được tăng và tỷ lệ tăng thêm cũng không giống nhau. Mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%, trong đó có hai ngân hàng được nới room hơn 3%. Đơn cử như Sacombank, tỷ lệ tăng tín dụng của ngân hàng này là 4%; hay như VIB được tăng thêm 3%...

Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Vietcombank được NHNN điều chỉnh room tín dụng tăng thêm 2,7%. Như vậy trong năm 2022, Vietcombank được tăng trưởng tín dụng ở mức 17,7% so với cuối năm. Theo chia sẻ của ông Tùng, để được tăng thêm room tín dụng, thời gian qua, Vietcombank nỗ lực xếp hạng A theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN; thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân cũng như thực hiện hỗ trợ cho các TCTD yếu kém; đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn vốn, thanh khoản, chất lượng tài sản, quản trị điều hành; kết quả kinh doanh...

“Vietcombank sẽ sử dụng phần room tín dụng tăng thêm tập trung cho vay các lĩnh vực ngành nghề thiết yếu, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Song song với đó kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng, đảm bảo kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp; duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay ở mức hợp lý đảm bảo hỗ trợ cho quá trình phát triển phục hồi của nền kinh tế của DN”, ông Tùng thông tin thêm.

Cũng như Vietcombank, nhiều ngân hàng sau khi có thông tin chính thức được cấp thêm room tín dụng đã kịp thời giải ngân cho những hồ sơ đã được duyệt vay từ trước đây. Lãnh đạo một công ty chuyên xuất nhập khẩu gốm sứ cho biết, doanh nghiệp đã được giải ngân ngay khoản vay mới ngay trong ngày 7/9/2022 sau một thời gian chờ đợi. “Trong bối cảnh room tín dụng của các ngân hàng không được dư dả như thời điểm những tháng đầu năm thì việc doanh nghiệp được vay vốn kịp thời nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cho những tháng cuối năm và đầu năm sau là quá tốt”, vị này chia sẻ.

Đại diện một công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy sản bày tỏ vui mừng thông tin ngân hàng được nới room tín dụng và cho rằng động thái này chắc chắn tác động tích cực tới doanh nghiệp. “Nếu không có vốn thì doanh nghiệp muốn làm gì cũng khó. Vì thế, khi thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn sẽ giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, từ đó khôi phục tốt hơn sau đại dịch”, vị này cho biết.

Thận trọng với lạm phát

Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trên thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng đã sử dụng cạn hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm nên hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc được cấp thêm hạn mức sẽ khiến hoạt động tín dụng khởi sắc hơn.

Tuy nhiên cấp mới này thực chất là NHNN phân lại hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tỷ lệ còn lại của mục tiêu 14% của năm nay. Điều đó cho thấy NHNN vẫn kiên định với mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm nay, nguyên nhân chủ yếu do áp lực lạm phát đang rất lớn.

Giới chuyên môn đánh giá, trước áp lực lạm phát cao, sự thận trọng của cơ quan điều hành trong việc đưa ra quyết định về tỷ lệ tăng thêm room tín dụng là phù hợp. Chưa kể, theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. “NHNN đang rất khó khăn trong việc lựa chọn giữa kiểm soát lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Để giải bài toán khó này NHNN sẽ cần phải điều hành chính sách linh hoạt và hợp lý”, TS. Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng tín dụng, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, áp lực lên lạm phát những tháng gần đây giảm nhờ giá nhiên liệu hạ nhiệt. Song chính sách tiền tệ, điều hành lãi suất vẫn cần tính toán, theo dõi chặt chẽ để kiềm chế lạm phát. “Việc vừa kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế, đảm bảo khôi phục nhanh sau đại dịch đặt ra bài toán NHNN phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ định hướng điều hành và nhấn mạnh, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất trong giai đoạn hiện tại của NHNN.

Giới chuyên môn cho rằng, trong bối cảnh dư địa tín dụng không còn nhiều, điều quan trọng nhất đối với các ngân hàng đó là hiệu quả sử dụng vốn. Các ngân hàng phải cơ cấu tín dụng, hướng tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên, có khả năng phục hồi mạnh, tạo động lực tăng trưởng kinh tế...

Về định hướng điều hành tín dụng, NHNN khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: thoibaonganhang.vn (Hà Thành)