Lấy người dân làm trung tâm, dịch vụ là thước đo trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Ngày 11-12/10, Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC tổ chức Diễn đàn cấp cao về Chuyển đổi số Ngân hàng với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tại Hà Nội.

lay nguoi dan lam trung tam dich vu la thuoc do trong chuyen doi so nganh ngan hang
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Diễn đàn hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội tại Việt Nam có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.

Chủ động và ưu tiên ứng dụng công nghệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, trong đó có ngành Ngân hàng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, thông qua những mối quan hệ tương tác với các chủ thể của nền kinh tế Ngành đã có mức tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với các nền tảng công nghệ không chỉ phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội, trong đó có công dân số. Vì vậy, tại Nghị quyết 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao và được ưu tiên tham gia của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, lãnh đạo ngành Ngân hàng và toàn Ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ chủ động để tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực như công bố ngày chuyển đổi số của Ngành, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2025.

Đặc biệt, năm 2021 Việt Nam đã được tổ chức quốc tế đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, đạt hiệu quả bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.

lay nguoi dan lam trung tam dich vu la thuoc do trong chuyen doi so nganh ngan hang
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn

Chia sẻ về những kết quả của ngành Ngân hàng trong việc chủ động và tiên phong tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với NHNN, đơn vị đã đổi mới toàn diện hoạt động quản lý NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong chuyển đổi số; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ưu tiên và có chính sách hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng đã phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, ông Lê Anh Dũng thông tin.

lay nguoi dan lam trung tam dich vu la thuoc do trong chuyen doi so nganh ngan hang
Các giải pháp công nghệ được ngân hàng mang đến buổi triển lãm tại Diễn đàn

Thay đổi tư duy, mạnh dạn với công nghệ mới

Bên cạnh định hướng và chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhấn mạnh việc thay đổi tư duy con người là “chìa khóa” của chuyển đổi số thành công. Việc định hướng chuyển đổi số - sáng tạo số đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa, thấm nhuần đến toàn bộ nhân viên.

Từng cá nhân trong ngân hàng đều là mắt xích quan trọng vì họ là chuyên gia và người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình. Không nên số hóa bằng cách làm cũ mà cần thiết kế lại cả giải pháp chuyển đổi số toàn diện; có đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách đến từng khối nghiệp vụ, triển khai theo Chiến lược tổng thể, đồng bộ; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận cơ hội công việc mới trong thời đại mới.

lay nguoi dan lam trung tam dich vu la thuoc do trong chuyen doi so nganh ngan hang

Với quan điểm công nghệ là yếu tố cốt lõi để chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám Đốc Mambu Việt Nam cho biết, ngân hàng có thể khởi động một ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ, hiệu suất cao chỉ trong vài tuần nếu có được nền tảng công nghệ phù hợp. Hiện đơn vị mang đến giải pháp công nghệ cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking) trên nền tảng điện toán đám mây.

Nếu như công nghệ cũ khiến các ngân hàng mất nhiều thời gian để triển khai và vận hành thì giải pháp mới này sẽ giải quyết triệt để vấn đề đó, chi phí sử dụng công nghệ mới hợp lý. Việc triển khai công nghệ mới sẽ nhanh, sáng tạo và dễ sử dụng.

Trong thời gian tới, Mambu sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ với các ngân hàng và tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; mang thông tin về các giải pháp công nghệ đến với các ngân hàng thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm…. có kế hoạch tập trung vào các cơ hội tiềm năng với các ngân hàng truyền thống trong việc phát triển chiến lược số, trong đó, chuyển đổi hạ tầng truyền thống sang nền tảng ngân hàng điện toán đám mây.

Bên lề Diễn đàn cấp cao sẽ diễn ra các hoạt động bao gồm chương trình Diễn tập chủ động phòng thủ Không gian mạng – DF Cyber Defense và 4 phiên Hội thảo chuyên đề dưới sự chủ trì của các vụ, cục thuộc các Bộ, Ban, Ngành có liên quan. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn còn diễn ra hoạt động triển lãm các sản phẩm công nghệ về chuyển đổi số ngành Ngân hàng từ hơn 30 nhà cung cấp giải pháp, các ngân hàng hàng đầu trong nước và quốc tế.

Hương Giang - Hoàng Giáp (Thời báo Ngân hàng)