Sửa Luật Đấu thầu để nâng cao hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn


Ngày 7/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu..

sua luat dau thau de nang cao hieu qua trong lua chon nha thau va quan ly su dung von
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra dự án Luật

Về tính cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn với 8 nghị định, 23 thông tư, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, giảm thiểu số lượng các văn bản dưới luật được ban hành.

Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 98 Điều. Trong đó, so với Luật hiện hành: sửa đổi, bổ sung: 75 Điều; bỏ 12 Điều; bổ sung mới 21 Điều; giữ nguyên 2 Điều. Dự thảo Luật còn 15 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật, đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.

Đối với những nội dung chưa có quy định rõ trong luật, cần quy định nguyên tắc trước khi giao Chính phủ quy định chi tiết. Việc thiết kế các chương, điều, khoản trong dự thảo Luật cần đảm bảo chặt chẽ, khoa học, đầy đủ, rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, thống nhất với giải thích từ ngữ của các luật khác.

Ngoài ra, một số điều, khoản trong dự thảo Luật dẫn chiếu chung chung theo hướng “theo quy định của pháp luật”, chưa chỉ rõ các văn bản pháp quy được viện dẫn, có thể gây khó khăn cho quá trình thực thi, áp dụng Luật, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các nội dung liên quan, hạn chế các nội dung phải dẫn chiếu, nhằm giảm thiểu các văn bản dưới luật.

Về nhóm các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, trong đó: Bổ sung quy định đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 2 Điều 1); bỏ quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng; Bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật (khoản 3 Điều 1).

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Dự thảo Luật đang tiếp cận theo hướng liệt kê trong phạm vi điều chỉnh bao gồm những quy định các hoạt động phải đấu thầu và các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật (vừa chọn cho vừa chọn bỏ). Như vậy dẫn đến việc bỏ sót và khó bao quát đầy đủ các hoạt động thực tiễn phát sinh. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan rất lớn đến khái niệm “vốn nhà nước” quy định tại khoản 32 Điều 4 của Dự thảo luật. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát kỹ, quy định về khái niệm “vốn nhà nước” bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đối tác công tư…

Một số ý kiến đề nghị không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị.

Có ý kiến đề nghị, để phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị quy định trong luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được lựa chọn việc áp dụng hoặc không áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đối với Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu. Theo quy định của dự thảo Luật thì lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, tại điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật đã bổ sung quy định liên quan đến áp dụng luật đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực. Theo đó, về cơ bản đã thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, phối hợp để quy định thống nhất giữa các luật, tránh “tạo khoảng trống”, vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với việc bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” so với luật hiện hành, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bỏ quy định trên nhằm tạo sự đồng bộ với khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước quy định của Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên cần rà soát, sửa đổi quy định rõ việc quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp khác không thuộc Doanh nghiệp Nhà nước tại Luật số 69/2014/QH13 để một mặt bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, song phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, đề nghị giữ quy định phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước cấp trực tiếp, vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước từ 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng trên 1.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Có ý kiến cho rằng, thực tiễn hiện nay có những trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhưng lại được quy định về hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu tại các Luật, Nghị định khác. Để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, cần quy định rõ trong Điều 1 của Dự thảo luật về “các quy định về hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu tại Luật, Nghị định khác không có hiệu lực”.

DCC (Thời báo ngân hàng)